Trang chủ >> Thông tin khác >> Những thực phẩm người bệnh dạ dày cần tránh

Những thực phẩm người bệnh dạ dày cần tránh

27/02/2020 | 1054

Ngày nay số người bị đau dạ dày có xu hướng ngày càng gia tăng và được coi là căn bệnh của xã hội hiện đại, thường đứng đầu trong các bệnh ở đường tiêu hóa.

Bệnh có thể xuất hiện ở bất kỳ lứa tuổi nào, từ trẻ em cho đến những người cao tuổi. Cơ chế bệnh sinh chủ yếu là tăng tiết axít. Chế độ ăn trong bệnh dạ dày nhằm mục đích làm giảm tiết axít, giảm tác dụng của axít dạ dày tiết ra lên niêm mạc dạ dày, hạn chế hoặc loại bỏ những kích thích có hại để dạ dày nghỉ ngơi và các tổn thương mau lành.

Bệnh thường bắt đầu từ một đợt đau cấp tính, có thể do nhiễm khuẩn HP (Helicobacter pylori) hoặc ngộ độc thức ăn và các thuốc kháng viêm được coi là các yếu tố quan trọng làm việc tăng lực tấn công lên hàng rào bảo vệ niêm mạc dạ dày. Vì vậy, niêm mạc dạ dày có thể bị trợt, sung huyết thậm chí xuất hiện ổ loét. Tùy vị trí viêm hoặc loét khác nhau mà có các tên gọi viêm dạ dày, viêm hang vị, viêm tâm vị, bờ cong nhỏ, hoặc loét bờ cong nhỏ, loét hang vị, viêm tá tràng...

Ăn nhanh, ăn vội vàng, nhai không kỹ là một trong những nguyên nhân gây bệnh dạ dày. Ngoài ra, việc thường xuyên phải đối mặt với căng thẳng, ăn uống không đúng giờ, ăn đồ ăn nhanh được chế biến sẵn, sử dụng thuốc kháng sinh cũng là nguyên nhân gây bệnh dạ dày.

Nếu không chữa trị kịp thời dứt điểm, niêm mạc dạ dày dễ bị tổn thương nặng nề dẫn đến hệ quả tất yếu là bệnh nhân bị viêm loét mạn tính.

Nước cam ép có chứa nhiều axít, có thể gây đau bụng, tiêu chảy ở những người đau dạ dày.

Nước cam ép có chứa nhiều axít, có thể gây đau bụng, tiêu chảy ở những người đau dạ dày.

Nguyên tắc dinh dưỡng

Trong dinh dưỡng bình thường thì khối lượng thức ăn, sự nhai nghiền thức ăn thành mảnh nhỏ trước khi nuốt vào dạ dày là rất quan trọng cho quá trình tiêu hóa và hấp thu thức ăn ở ruột non. Muốn tiêu hóa, hấp thu thức ăn có hiệu quả trong bệnh viêm dạ dày cần lưu ý:

Nấu chín, ninh nhừ thức ăn, không nên dùng thực phẩm ăn sống.

Nhai kỹ, ăn chậm.

Không ăn quá no một lúc mà nên chia thành nhiều bữa (4-5 bữa), ăn nhiều bữa để thường xuyên có tác dụng trung hòa axít, mỗi bữa nên ăn nhẹ để khỏi gây căng dạ dày vì căng dạ dày dễ kích thích tiết nhiều axít.

Không ăn quá nhiều canh cùng với bữa cơm. Ăn xong không nên lao động nặng, chạy nhảy ngay.

Những thức ăn nên dùng

Sữa, trứng có tác dụng đệm trung hòa axít trong dạ dày: sữa bò, sữa hộp, bơ, pho mát...

 

Thực phẩm giàu đạm như thịt, cá nạc nên chế biến luộc, hấp, om thì dễ hấp thu.

Rau củ dùng rau non luộc hoặc nấu dạng súp, các loại rau củ phải ăn chín.

Thực phẩm ít mùi vị như tinh bột gồm: cơm nát, cơm nếp nát, bánh mỳ, các loại khoai củ, cháo...

Dầu ăn cũng có tác dụng làm giảm bài tiết dịch vị nhưng với số lượng ít, vừa phải.

Người viêm dạ dày nên tránh những thức ăn quay, rán tẩm ướp nhiều gia vị.

Người viêm dạ dày nên tránh những thức ăn quay, rán tẩm ướp nhiều gia vị.

Những thực phẩm cần tránh

Những thức ăn nhiều mùi vị, chất thơm như thịt quay, rán, chiên, nướng, thịt ướp muối, cá ướp muối và những thức ăn xào rán nhiều dầu mỡ. Những loại thực phẩm này thường khiến dạ dày và gan phải làm việc nhiều hơn. Điều này cũng khiến hệ tiêu hóa bị kích thích, thêm căng thẳng.

Các loại thịt nguội chế biến sẵn: dăm bông, lạp xường, xúc xích và các loại nước sốt, nước thịt cá đậm đặc.

Những thức ăn cứng, dai gây cọ xát niêm mạc dạ dày như: thịt nhiều gân, sụn, rau có nhiều xơ già, quả xanh...

Chè, cà phê đặc khi vào cơ thể thường sản xuất axít trong dạ dày. Các axít này lại tiếp tục kích thích niêm mạc dạ dày, có thể gây đau và khó chịu nếu dạ dày  đã có vết loét hoặc viêm...

Dấm tỏi, dưa cà, hành muối và gia vị cay cũng không nên sử dụng. Với thực phẩm chứa nhiều gia vị cay, nhiều người cho rằng có thể gây viêm loét dạ dày - tá tràng. Tuy nhiên, lại có rất ít bằng chứng y tế đằng sau lời đồn thổi này. Và thực tế đã chứng minh, hầu hết viêm loét dạ dày - tá tràng là do vi khuẩn và một số loại thuốc. Song cũng phải công nhận một điều, các thực phẩm nhiều gia vị và gia vị cũng có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày. Vì thế, nếu dạ dày đang bị viêm, loét, hãy hạn chế và tránh xa ớt tươi, ớt bột.

Nước cam ép có tính axít có thể làm nhiễu loạn đường tiêu hóa và kích thích các dây thần kinh nhạy cảm. Nếu người đau dạ dày uống nước cam, đường tiêu hóa có chứa nhiều axít, có thể gây đau bụng. Bên cạnh đó, nước chanh cũng có thể gây tiêu chảy ở các bệnh nhân bị bệnh đường ruột, đau dạ dày.

Cà chua có tính axit mạnh, dễ khiến dạ dày sản sinh nhiều dịch vị. Do đó, ăn nhiều cà chua sẽ dẫn đến hiện tượng như nồng độ axit trong dạ dày tăng cao, nóng ruột...Các loại tương cà chua cũng có tính chất tương tự. Ngoài ra còn có các loại quả chua, đu đủ chín, chuối tiêu, táo cũng không tốt cho người đau dạ dày.

BS. Thanh Hà

 


Các bài viết khác