Trang chủ >> Tin quốc tế >> VUSTA thúc đẩy quan hệ hợp tác với các đối tác tại Nhật Bản

VUSTA thúc đẩy quan hệ hợp tác với các đối tác tại Nhật Bản

08/02/2018 | 2125

Thực hiện chương trình công tác năm 2016, từ ngày 11 đến 16 tháng 9 năm 2016, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã tổ chức đoàn công tác làm việc tại Nhật Bản. Đoàn do Phó Chủ tịch Nghiêm Vũ Khải làm trưởng Đoàn...

Thực hiện chương trình công tác năm 2016, từ ngày 11 đến 16 tháng 9 năm 2016, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã tổ chức đoàn công tác làm việc tại Nhật Bản. Đoàn do Phó Chủ tịch Nghiêm Vũ Khải làm trưởng Đoàn.

Ngài Takebe Tsutomu, Chủ tịch Viện TOA chụp ảnh kỷ niệm với Đoàn

Mục đích của đoàn công tác là nhằm gặp gỡ, trao đổi, giới thiệu, tìm kiếm cơ hội và thiết lập quan hệ hợp tác giữa VUSTA và các tổ chức thành viên và trực thuộc với các đối tác tương ứng Nhật Bản. Trong bối cảnh quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước đang trong giai đoạn phát triển rực rỡ nhất hiện nay, việc thiết lập quan hệ hợp tác khoa học và công nghệ (KH&CN) đang có nhiều triển vọng tốt đẹp; đồng thời cũng là nhu cầu cấp thiết nhằm thúc đẩy quá trình hội nhập của Việt Nam với khu vực và thế giới.

Trong khuôn khổ 05 ngày làm việc, Đoàn đã gặp và có nhiều cuộc trao đổi với các cơ quan quản lý nhà nước, các viện nghiên cứu, tổ chức khoa học và công nghệ, các hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp trong lĩnh vực KH&CN của Nhật Bản. Các cuộc làm việc tập trung vào  những nội dung liên quan đến chính sách vĩ mô cũng như kinh nghiệm thực tế của Nhật Bản về chính sách và pháp luật phát triển KH&CN, đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao, chuyển giao công nghệ, phổ biến kiến thức trong lĩnh vực nông nghiệp, bảo vệ môi trường và chính sách xã hội hoá đầu tư cho KH&CN.

Kết quả, nội dung chính của Đoàn công tác

Hợp tác khoa học và công nghệ trong nông nghiệp, bảo vệ môi trường, nâng cao năng lực cạnh tranh

Trong khuôn khổ chuyến công tác, nhờ việc bố trí của Viện Nghiên cứu Đông Á (Viện TOA) – cơ quan đối tác chính mời Đoàn sang Nhật Bản, Đoàn đã có dịp được làm việc với đại diện Bộ Giáo dục, Văn hoá, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (MEXT), Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Nhật Bản nhằm tìm hiểu các chính sách phát triển khoa học và công nghệ, nông nghiệp, ngư nghiệp, bảo vệ môi trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của Nhật Bản. Ngoài ra, Đoàn còn gặp và làm việc với Hội đồng Khoa học Nhật Bản (Science Council of Japan), một cơ quan có nhiều sự tương đồng với VUSTA về sứ mệnh, chức năng và nhiệm vụ.

Tại cuộc làm việc với đại diện MEXT, Đoàn đã có dịp tìm hiểu về chính sách phát triển khoa học và công nghệ, kích thích đầu tư của khu vực tư nhân cho nghiên cứu phát triển (R&D) theo định hướng của Chính phủ và nhu cầu của các ngành công nghiệp. Theo đó, hiện Nhật Bản đang tiến hành Kế hoạch KH&CN cơ bản lần thứ Năm (giai đoạn 2016-2020) với tổng kinh phí đầu tư từ ngân sách nhà nước là xấp xỷ 260 tỷ USD. Theo thông tin của MEXT, đầu tư từ ngân sách nhà nước cho KH&CN chỉ chiếm 1/5 tổng đầu tư của toàn xã hội cho lĩnh vực này (khu vực tư nhân đầu tư ¾ còn lại). Ngân sách KH&CN năm 2016 là 34,56 tỷ USD trong đó MEXT quản lý 65% ngân sách này, còn lại 35% do các Bộ khác. Hệ thống các tổ chức nghiên cứu KH&CN của Nhật Bản gồm 779 trường đại học (trong đó 604 trường tư), 10 viện nghiên cứu quốc gia và cơ quan khoa học và 4 Viện liên kết với trường đại học (gồm 15 viện nhỏ). Trong số đó đặc biệt chú ý là 10 viện, cơ quan khoa học nói trên có vai trò chính trong quản lý và cung cấp nguồn kinh phí cho các đề tài khoa học (tên viết tắt của các viện: RIKEN, NIMS, QST, JAMSTEC, JAEA, JAXA, NIED, JSPS, JST, AMED).

Trong việc đầu tư ngân sách cho nghiên cứu khoa học, Nhật Bản áp dụng cả hai phương thức từ trên xuống và từ dưới lên. Cách tiếp cận từ trên xuống có nghĩa là các viện nghiên cứu của nhà nước phải dựa vào Kế hoạch KH&CN cơ bản và xu hướng kinh tế xã hội của quốc gia để xây dựng chiến lược nghiên cứu phát triển, phát hiện các lĩnh vực nghiên cứu chiến lược trọng tâm và đặt hàng các cơ quan đủ năng lực để thực hiện (JST, AMED là hai cơ quan đầu mối).  Cách tiếp cận từ dưới lên nghĩa là dựa trên sáng kiến của các nhà khoa học, không phụ thuộc vào kế hoạch phát triển KH&CN của quốc gia hay xu hướng phát triển kinh tế xã hội. Nhà khoa học tự do sáng tạo, đề xuất ý tưởng lên Hiệp hội Thúc đẩy Nghiên cứu Khoa học (JSPS) để được xét duyệt cấp kinh phí thực hiện.

Đoàn công tác đã được giới thiệu sơ bộ về các mục tiêu chính của Nhật Bản trong Kế hoạch cơ bản lần thứ 5 và giới thiệu về các chương trình hợp tác quốc tế cụ thể trong lĩnh vực KH&CN mà Nhật Bản dành cho các nước Châu Á và Đông Nam Á. Cụ thể như chương trình trao đổi dành cho các nhà khoa học trẻ châu Á (Sakura Science Program), chương trình liên kết nghiên cứu trong các nước ASEAN (E-ASEAN). Đây là các thông tin hữu ích để Đoàn có thể tiếp thu và giới thiệu cho các tổ chức khác trong hệ thống về các chương trình, cơ hội hợp tác theo các chương trình này.

Tại cuộc làm việc với đại diện Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp (NLNN), Đoàn đã được nghe về Kế hoạch Cơ bản về Nghiên cứu trong lĩnh vực NLNN của Nhật Bản. Bản kế hoạch chỉ ra các mục tiêu chính trong lĩnh vực nghiên cứu NLNN của Nhật Bản và các chính sách nhằm thực hiện hoá các mục tiêu đó. Thành viên của Đoàn đã trao đổi hai đề xuất cụ thể tại địa phương, đó là nhu cầu chuyển giao công nghệ sinh học thân thiện với môi trường nhằm xử lý nước tại khu vực nuôi trồng hải sản của tỉnh Thái Bình, và đề xuất về hợp tác đào tạo kỹ thuật cho chủ các trang trại nuôi trồng hải sản của thành phố Hải Phòng. Thứ trưởng Bộ NLNN đã chỉ đạo cán bộ tiếp thu nội dung đề xuất và trao đổi lại với Đoàn sau khi Đoàn về nước.

 

Đoàn của VUSTA làm làm việc với Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Nhật Bản

Tại cuộc làm việc với Hội đồng Khoa học Nhật Bản (Science Council of Japan), Đoàn nhận thấy SCJ có rất nhiều điểm tương đồng với VUSTA. Hội đồng Khoa học Nhật Bản (SCJ) là cơ quan đại diện cho cộng đồng khoa học Nhật Bản trên tất cả các lĩnh vực khoa học, bao gồm khoa học nhân văn, khoa học xã hội, khoa học đời sống, khoa học tự nhiên và kỹ thuật. Được thành lập vào tháng 1 năm 1949, SCJ là một “tổ chức đặc thù” trong Nội các và nhận sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng, hoạt động độc lập với chính phủ nhằm tăng cường và thúc đẩy lĩnh vực khoa học, đảm bảo khoa học được vận dụng và thấm nhuần trong hệ thống quản lý, các ngành công nghiệp và đời sống nhân dân. SCJ đại diện cho giới khoa học Nhật Bản ở cả trong và ngoài nước với niềm tin vững chắc rằng khoa học là nền tảng của một quốc gia văn minh.

SCJ có hai chức năng chính sau: (1) Xem xét các vấn đề quan trọng liên quan đến khoa học và hỗ trợ giải quyết các vấn đề đó và (2) Điều phối các nghiên cứu khoa học nhằm đạt được hiệu quả cao hơn.

SCJ có vai trò đặc biệt tích cực trong việc hỗ trợ cải tiến và phát triển khoa học ở Nhật Bản và có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với Hội đồng Chính sách Khoa học và Công nghệ (CSTI) – cơ quan hoạch định các chính sách khoa học và công nghệ của Nhật Bản. SCJ tập trung vào bốn hoạt động chính sau đây:

  • Đưa ra các khuyến nghị chính sách cho chính phủ và công chúng
  • Thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế
  • Phổ biến kiến thức khoa học
  • Thành lập các mạng lưới giữa các nhà khoa học

 

Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Nhật Bản, ông Keisuke Hanaki chụp ảnh lưu niệm với Đoàn

Về tổ chức, SCJ có 210 Uỷ viên Hội đồng và khoảng 2,000 Uỷ viên được lựa chọn đại diện cho xấp xỉ 840,000 giới khoa học trên toàn quốc. Đại Hội đồng gồm có các Uỷ viên Hội đồng và là cơ quan quyết định cao nhất. Thông thường Đại Hội đồng nhóm họp hai lần một năm (Tháng 4 và Tháng 10). Uỷ viên Hội đồng được lựa chọn và đề xuất trong số các nhà khoa học dựa trên các thành tựu xuất sắc trong lĩnh vực nghiên cứu của họ và được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm. Nhiệm kỳ hoạt động của Uỷ viên Hội đồng là sáu năm và ba năm một lần, một nửa số Uỷ viên Hội đồng mới được bổ nhiệm. Uỷ viên thông thường được lựa chọn và đề xuất trong số các nhà khoa học có thành tựu xuất sắc trong lĩnh vực nghiên cứu của mình và được Chủ tịch SCJ bổ nhiệm. Về nguyên tắc, nhiệm kỳ của uỷ viên là sáu năm. Chủ tịch SCJ được bầu dựa trên kết quả bỏ phiếu nội bộ giữa các Uỷ viên Hội đồng SCJ. Ba Phó Chủ tịch được Chủ tịch bổ nhiệm trong số các Uỷ viên Hội đồng với sự phê chuẩn của Đại Hội đồng. Nhiệm kỳ hoạt động của Chủ tịch và các Phó Chủ tịch là ba năm, tuy nhiên các chức danh này có thể được lựa chọn và bổ nhiệm lại.

Kinh phí để SCJ thực hiện các hoạt động trên hàng năm khoảng 10 triệu USD từ 100% ngân sách nhà nước. SCJ không được phép nhận tài trợ từ bất kỳ nguồn nào khác ngoài Chính phủ. Mỗi năm SCJ tổ chức nghiên cứu và đưa ra khuyến nghị cho Chính phủ và cho công chúng dưới nhiều hình thức như báo cáo tổng hợp, báo cáo khuyến nghị, đề nghị, tuyên bố và thể hiện thái độ…

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Về nội dung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, Đoàn đã làm việc với ba cơ quan sau: Viện kỹ thuật và công nghệ quốc gia Nhật Bản (KOSEN); Hiệp hội đào tạo nguồn nhân lực nước ngoài (HIDA); Hội kỹ sư Nhật Bản (IPEJ). Các thành viên trong Đoàn đã được hiểu về chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của các tổ chức trong hệ thống các tổ chức cung cấp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Nhật Bản và cho các nước trong khu vực và thế giới.

HIDA là tổ chức được thành lập sau khi hai tổ chức AOTS (Hội Học bổng kỹ thuật nước ngoài) và JODC (Cơ quan hợp tác phát triển nước ngoài Nhật Bản) sát nhập tháng 3 năm 2012, với sứ mệnh hỗ trợ hợp tác phát triển về kinh tế và hữu nghị giữa Nhật Bản với các nước khác thông qua thực hiện các dự án nhằm khuyến khích đầu tư thương mại và hợp tác kinh tế quốc tế. HIDA thực hiện các chương trình đào tạo kỹ thuật tại nước sở tại hoặc tại Nhật Bản, cử chuyên gia đến các nước và tổ chức các chương trình thực tập ở nước ngoài.

Thông qua kênh của các hội cựu học sinh của chương trình và thông qua Viện Nghiên cứu HIDA (HIDA Research Institution) và Viện Quản lý và Công nghệ (IMT), HIDA còn tổ chức các hoạt động nghiên cứu thị trường, chia sẻ thông tin, kết nối, tư vấn, đào tạo và xúc tiến đầu tư giữa các doanh nghiệp của Nhật với các đối tác tại các quốc gia đang phát triển. Từ năm 1959-2015, HIDA (trước đây là AOTS) đã giúp đào tạo cho 24.000 người Việt Nam và cử 704 chuyên gia Nhật Bản sang Việt Nam làm việc.

Tại cuộc làm việc với Hội kỹ sư Chuyên nghiệp Nhật Bản, Đoàn đã được nghe về quá trình hình thành và phát triển của Hội, đặc biệt là vai trò của Hội trong việc đào tạo liên tục kỹ sư, tổ chức thi cấp chứng chỉ hành nghề kỹ sư chuyên nghiệp tiêu chuẩn Nhật Bản. Ngoài ra, Hội còn tư vấn xây dựng chương trình đào tạo kỹ sư tiêu chuẩn chung cho hệ thống các trường đại học đào tạo chuyên ngành kỹ thuật. Hội chia sẻ kinh nghiệm và bày tỏ sự sẵn sàng hỗ trợ về kỹ thuật cho VUSTA để xây dựng đề án thành lập Hiệp hội kỹ sư chuyên nghiệp Việt Nam.

Hội còn chia sẻ các tài liệu như Luật Kỹ sư chuyên nghiệp, Điều lệ Hội kỹ sư chuyên nghiệp, Bộ quy tắc ứng xử và đạo đức nghề nghiệp của kỹ sư chuyên nghiệp, khung giáo trình đào tạo kỹ sư chuyên nghiệp và các quy định liên quan đến tổ chức sát hạch công nhận kỹ sư chuyên nghiệp.

 

Toạ đàm với Hội Kỹ sư chuyên nghiệp Nhật Bản

Hội kỹ sư tư vấn Nhật Bản (JCEA) là tiền thân của IPEJ được thành lập vào năm 1951 theo Luật Kỹ sư Chuyên nghiệp của Nhật Bản. Mục tiêu của IPEJ là thực hiện các hoạt động đào tạo kỹ sư chuyên nghiệp, hướng dẫn và liên lạc với các thành viên của hiệp hội để góp phần duy trì phẩm giá của các kỹ sư chuyên nghiệp, góp phần vào sự tiến bộ và cải thiện phương thức hoạt động trong thực tiễn nhằm đạt được mục tiêu cuối cùng là thúc đẩy khoa học và công nghệ, đóng góp cho phát triển kinh tế và hợp tác quốc tế của đất nước (Điều 2, IPEJ, Điều 1 và Điều 55, Luật Kỹ sư Chuyên nghiệp). Mặc dù thành lập từ năm 1951 nhưng phải đến năm 1984 thì JCEA mới được luật Kỹ sư chuyên nghiệp công nhận là cơ quan chính thức được Chính phủ uỷ quyền thực hiện các hoạt động sát hạch và công nhận kỹ sư chuyên nghiệp. Bộ MEXT là cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động này và là cơ quan cấp chứng nhận kỹ sư đạt tiêu chuẩn kỹ sư chuyên nghiệp sau khi JCEA tổ chức thi và đệ trình lên Bộ kết quả thi. MEXT là cơ quan giám sát hoạt động tổ chức thi của JCEA nhằm đảm bảo chất lượng đầu ra.

Đây là một trường hợp điển hình của việc chuyển dịch vụ công từ nhà nước sang các tổ chức hội nghề nghiệp nhằm phát huy vai trò của các hội nghề nghiệp, giảm thiểu các thủ tục và chi phí cho bộ máy hành chính nhà nước.

Nâng cao năng lực cho hoạt động của VUSTA

Tại cuộc làm việc với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), VUSTA đã đề xuất một chương trình hỗ trợ cho VUSTA nhằm nâng cao năng lực về tổ chức, đào tạo nhân lực nhằm thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ giữa VUSTA và các tổ chức trong hệ thống VUSTA với các tổ chức tương đương trong khu vực và đặc biệt là Nhật Bản. Ý tưởng đề xuất đã được lãnh đạo JICA tại Tokyo đánh giá cao và đề nghị tiếp tục trao đổi bằng đường văn bản chính thức sau khi đoàn về Việt Nam, thông qua văn phòng JICA tại Việt Nam.

Luật về tổ chức phi lợi nhuận của Nhật Bản

Trong khuôn khổ làm việc với các tổ chức, Đoàn của VUSTA còn có dịp trao đổi về các khuôn khổ pháp lý liên quan đến hoạt động của các tổ chức hội, tổ chức phi chính phủ. Trong đó, có hai luật quan trọng đó là Luật Thúc đẩy các Hoạt động Phi lợi nhuận Đặc thù (Law to promote Specified Nonprofit Activities, Luật NPO)

Luật NPO của Nhật Bản cho phép các tổ chức xã hội dễ dàng có được tư cách là tổ chức phi lợi nhuận. Luật được ban hành ngày 19 tháng 3 năm 1998 và có hiệu lực ngày 1 tháng 12 cùng năm. Sự khác biệt chính giữa luật NPO này và các luật trước đây ở chỗ nó được ra đời trên cơ sở nhiều đợt tranh luận, đối thoại giữa nhóm các tổ chức xã hội, người dân với thành viên Nghị viện và Chính phủ. Mục tiêu là nhằm khẳng định tầm quan trọng và thể chế hoá, luật hoá một trào lưu và nhu cầu rất lớn của xã hội là thúc đẩy hoạt động của công dân vì lợi ích cộng đồng”.

Luật NPO có 4 Chương 50 Điều, 01 phụ lục và các lần điều chỉnh, bổ sung. Điều đặc biệt của Luật NPO đó là đưa ra định nghĩa rõ ràng về khái niệm “các hoạt động phi lợi nhuận đặc thù” và “tổ chức phi lợi nhuận”, các lĩnh vực được phép và không được phép hoạt động, các nghĩa vụ và quyền hạn của tổ chức phi lợi nhuận, những điều quy định cụ thể về trình tự thủ tục thành lập, tổ chức hoạt động, nghĩa vụ báo cáo, các hành vi bị cấm và biện pháp, mức độ xử lý vi phạm đối với từng trường hợp cụ thể.

Ngoài luật NPO, Nhật Bản còn có các luật đặc biệt khác quy định về chức năng và vận hành của các loại hình tổ chức khác nhau. Ví dụ, Quỹ Nippon được thành lập theo luật Đua Thuyền máy theo đó nhà nước quy định việc trích một phần tỷ lệ lợi nhuận thu được từ các cuộc đua thuyền máy trên khắp cả nước để cho Quỹ Nippon vận hành vì mục tiêu nhân đạo; Hội kỹ sư Chuyên nghiệp có pháp nhân là Tổ chức Công ích (Public Interest Incorporated Institution).

 

Ông Tatsuya Tanami, Phó Chủ tịch Quỹ Nippon Foundation trao quà kỷ niệm cho Phó Chủ tịch Nghiêm Vũ Khải

          Kết luận

Đoàn công tác đã hoàn thành chương trình công tác, hoàn thành tốt đẹp yêu cầu, mục tiêu đặt ra. Chương trình công tác có nội dung phong phú, gặp gỡ và thiết lập được quan hệ với nhiều tổ chức lớn, quan trọng, mở ra một số hướng mới trong hợp tác với các đối tác Nhật Bản có chức năng, nhiệm vụ tương đồng với hoạt động của VUSTA trong thời gian tới.

Về các nội dung cần tiếp tục triển khai sau chuyến công tác, các đơn vị thuộc cơ quan Liên hiệp Hội với đầu mối là Ban HTQT sẽ tiếp tục duy trì liên lạc với các tổ chức đối tác đã gặp tại Nhật Bản, thu xếp lịch làm việc với JICA tại Việt Nam và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam nhằm tiếp tục cụ thể hoá những ý tưởng, nội dung cần thúc đẩy hợp tác với các đối tác Nhật Bản.

Tác giả bài viết: ThS. Dương Thị Nga tổng hợp

Nguồn tin: vusta.vn


Các bài viết khác