So với sản xuất ngoài trời, những mô hình này đã giảm được ảnh hưởng bất lợi của thời tiết, sâu bệnh, tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế.
Ông Nguyễn Chí Hiểu, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã Xuân Quan (Văn Giang) cho biết: Toàn xã hiện có trên 200 hộ trồng hoa, cây cảnh, trong đó có trên 100 hộ trồng hoa chuyên nghiệp với tổng diện tích khoảng 75ha.
Nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là diễn biến bất thường của thời tiết, hầu hết những hộ trồng hoa chuyên nghiệp ở đây đã ứng dụng sản xuất hoa trong nhà lưới, nhà kính, tưới nước bán tự động. Lợi nhuận bình quân 1 năm đạt 25 – 30 triệu đồng/sào, cá biệt có hộ thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/sào.
Chị Nguyễn Thị Hường, người trồng hoa chuyên nghiệp ở đây cho biết: “Trước đây, gia đình tôi trồng hoa ngoài trời, có năm mưa to bị ngập úng, giập nát hoặc rét đậm, rét hại, sương muối cây bị héo, táp lá, hoa, thiệt hại hàng chục triệu đồng. Cách đây 3 năm, tôi đầu tư nhà kính, nhà lưới, kết hợp làm hệ thống thoát nước, điện chiếu sáng và trồng hoa trên chậu nên đã khắc phục được tác động bất thường của thời tiết”.
Mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính của ông Bùi Văn Phương ở xã Tống Trân (Phù Cừ)
Ông Bùi Văn Phương ở xã Tống Trân (Phù Cừ) cho biết: “Sau nhiều năm lao động ở Cộng hòa Séc, trở về quê hương, tôi thuê thầu hơn 1 mẫu ruộng ở ngoài bãi sông Luộc để trồng ngô, sau đó trồng chuối nhưng gặp thời tiết bất lợi nên bị thua lỗ. Năm 2016, được huyện Phù Cừ hỗ trợ một phần kinh phí, tôi đầu tư xây dựng 400m2 nhà kính trồng dưa lưới.
Tuy vụ đầu còn thiếu kinh nghiệm, song vẫn thu được trên 1 tấn quả với giá bán bình quân 35 nghìn đồng/kg, lãi trên 20 triệu đồng/sào. Năm nay tôi đầu tư xây dựng thêm 1,6 nghìn m2, hiện nay đang trồng dưa lưới và dưa kim hoàng hậu bằng phương pháp tưới nhỏ giọt. Được trồng trong nhà lưới nên cây ít bị sâu bệnh hại, chỉ dùng thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học để xử lý nên chi phí đầu vào thấp”.
Theo ông Phương, nếu làm chủ được kỹ thuật, 1 năm trồng 2 vụ, 1 sào dưa lưới thu được 3 tấn quả/năm (2 vụ), cho thu lãi 50 triệu đồng trở lên, tương ứng với hơn 1 tỷ đồng/ha/năm.
Tại các vùng chuyên canh rau màu như: Xã Trung Nghĩa (thành phố Hưng Yên), xã Yên Phú (Yên Mỹ)… nhiều hộ không có điều kiện xây dựng nhà lưới, nhà kính đã sử dụng vòm che chắn mưa, nắng bằng lưới cước, ni-lông để bảo vệ rau màu.
Bà Nguyễn Thị Hoa, người trồng rau ở xã Trung Nghĩa tâm sự: “Nếu làm nhà lưới, nhà kính đầu tư 100 – 200 triệu đồng/sào thì làm vòm khung bằng sắt hoặc tre, che lưới, ni-lông chỉ hết dưới 4 triệu đồng/sào mà vẫn mang lại hiệu quả tốt hơn sản xuất ngoài trời. Bằng cách này, qua các trận mưa lớn, nhiều diện tích rau màu trồng ngoài trời bị giập nát nhưng rau của gia đình tôi không bị ảnh hưởng”.
Sản xuất trong nhà lưới, nhà kính hiện nay đang là giải pháp nâng cao hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp, được nhiều nơi ứng dụng. Theo tính toán của những hộ sản xuất, chi phí cho 1m2 nhà lưới, nhà kính có hệ thống bơm tưới tự động khoảng 300 – 500 nghìn đồng, tương ứng 100 – 200 triệu đồng/sào, nếu làm đơn giản, bơm tưới nước trực tiếp chi phí sẽ thấp hơn.
Ưu điểm của sản xuất trong nhà kính, nhà màng là hạn chế tác động bất lợi của thời tiết, môi trường như mưa, gió, nắng to, côn trùng, cỏ dại và có thể điều chỉnh được nhiệt độ, ánh sáng phù hợp với cây trồng, mang lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao gấp 1,5 lần trở lên so với sản xuất ngoài trời.
Sản xuất rau ngoài trời, chi phí ban đầu thấp hơn sản xuất trong nhà kính, nhà màng nhưng nếu thời tiết, môi trường không thuận lợi thì rủi ro rất cao, lại không trồng được những cây trồng trái vụ.
Tuy nhiên, chi phí ban đầu xây dựng nhà lưới, nhà kính lớn, với những hộ sản xuất nhỏ lẻ, không có hợp đồng bao tiêu sản phẩm thì rất khó thực hiện, do đó diện tích, quy mô còn nhỏ hẹp, chủ yếu do những cơ sở, hộ sản xuất chuyên nghiệp, có điều kiện về vốn, tiêu thụ nông sản thuận lợi; trong khi đó phương pháp làm vòm che chắn cho cây trồng chưa được ứng dụng rộng rãi, chủ yếu ở những vùng chuyên canh rau màu.