Bộ Y tế tổ chức lễ mít tinh Tuần lễ thế giới nâng cao nhận thức về kháng kháng sinh. |
Dễ quay về thời kỳ chưa có kháng sinh
Có kháng sinh mà có thể sẽ như quay về thời kỳ chưa có thuốc chữa nếu tình trạng kháng thuốc ngày càng gia tăng không kiểm soát, lây lan nhanh các vi khuẩn kháng thuốc.
Đó là cảnh báo của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến tại lễ mit tinh khởi động Tuần lễ thế giới nâng cao nhận thức về kháng kháng sinh (từ 12 - 18/11/2018) diễn ra ngày 13/11 tại Đại học Y Hà Nội.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến, hiện nay, kháng kháng sinh trở thành một trong những mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe toàn cầu, nhất là ở các nước đang phát triển. Kháng kháng sinh đang gia tăng ở mức độ nguy hiểm ở tất cả các nơi trên thế giới, ảnh hưởng đến khả năng điều trị các bệnh nhiễm trùng và làm suy yếu nhiều tiến bộ trong sức khỏe và thuốc điều trị.
Hàng năm, trên thế giới có hàng triệu người chết do kháng thuốc, trong đó 1,4 triệu trẻ em. Nếu kháng thuốc, người bệnh phải nằm viện lâu hơn và tỷ lệ tử vong tăng lên ở tất cả các nhóm tuổi. Cụ thể, theo thống kê tại châu Âu, số ngày nằm viện đã tăng khoảng 2,5 triệu ngày, tỷ lệ tử vong khoảng 25.000 người/năm; tại Thái Lan số ngày nằm viện cũng tăng hơn 3,2 triệu ngày nằm viện và tử vong 38.000 người/năm…
Đáng lo ngại, Việt Nam đang là một trong những nước có tình trạng kháng thuốc thuộc tốp cao trên thế giới. Đặc biệt, tại Việt Nam đã xuất hiện các loại vi khuẩn kháng đa thuốc, mức độ kháng ngày càng gia tăng, nhất là ở nhóm vi khuẩn gram âm, thường xuất hiện trong các bệnh viện đã có vi khuẩn biến đổi gen đa kháng với các dòng kháng sinh thế hệ mới. Đây là một điều hết sức nguy hiểm vì người bệnh có thể dễ dàng chết vì những bệnh đơn giản, nhiễm trùng vì thuốc kháng sinh không còn tác dụng; thậm chí các bệnh đơn giản cũng khiến người bệnh tử vong nhanh hơn cả ung thư.
TS. Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho biết: Có nhiều lý do dẫn đến kháng kháng sinh nhưng lý do quan trọng là việc lạm dụng, sử dụng kháng sinh quá nhiều và không đúng cách xảy ra ở tất cả các nơi, kể cả ở bệnh viện. Đó là thực trạng các bác sĩ tùy tiện kê kháng sinh, cộng đồng mua kháng sinh không cần kê đơn, sử dụng tùy tiện dẫn đến hệ lụy những loại thuốc kháng sinh đang dùng để điều trị các bệnh cơ bản không còn hiệu lực.
“Ở Việt Nam có tình trạng người dân tự dùng thuốc kháng sinh theo ý mình cả về loại thuốc, liều lượng; thậm chí khi phải sử dụng kháng sinh, lẽ ra phải tiếp tục sử dụng thuốc cho hết đợt điều trị thì lại bỏ dở giữa chừng khi thấy bệnh đã thuyên giảm... Người bán thuốc cũng chưa có tinh thần trách nhiệm cao khi vẫn bán kháng sinh theo nhu cầu của người dân, chưa tự ý thức việc bán thuốc phải theo đơn của bác sĩ, chưa xác thực việc người kê kháng sinh cũng phải là bác sĩ, đủ tư cách kê thuốc kháng sinh hiệu thuốc mới được phép bán”, ông Tiến cho biết.
Không chỉ sử dụng kháng sinh bừa bãi trên người, hiện nay việc sử dụng kháng sinh bừa bãi trong chăn nuôi như một chất kích thích tăng trưởng cũng là một nguyên nhân gây kháng thuốc bởi việc sử dụng không đúng cách thuốc kháng sinh sẽ dẫn tới sự kháng thuốc của vi khuẩn và tồn dư kháng sinh trong động vật làm thực phẩm cho người. Với số lượng lớn thịt gia cầm và lợn mà người Việt Nam tiêu thụ hàng ngày thì vấn đề này là một rủi ro lớn với sức khỏe cộng đồng và có tiềm năng trở thành những bệnh mới nổi lây truyền sang người, qua thực phẩm.
Cần sự vào cuộc của cả cộng đồng
Bộ Y tế cũng phải thừa nhận, hiện nay các lực lượng chức năng còn rất mỏng manh trong việc kiểm soát việc mua bán thuốc kháng sinh tại tất cả các hiệu thuốc, việc thỉnh thoảng kiểm tra chưa đủ sức mạnh để kiểm soát tại các nhà thuốc. Đặc biệt các hình phạt còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe cũng là một trong các yếu tố dẫn đến sử dụng kháng sinh bừa bãi. Theo quy định, đối với hành vi bán lẻ các loại thuốc phải kê đơn mà không có đơn thuốc bị xử phạt từ 200.000 - 500.000 đồng, mức phạt thấp được coi là vẫn chưa đủ sức răn đe. việc chấp hành và thực hiện của các cơ sở bán lẻ thuốc hiện nay vẫn chưa nghiêm, trong khi công tác thanh kiểm tra còn nhiều hạn chế dẫn đến việc mua, bán kháng sinh tùy tiện vẫn xảy ra.
Để đối mặt với tình trạng kháng thuốc kháng sinh đang ngày càng gia tăng ở Việt Nam, rất cần sự phối hợp hành động của cả cộng đồng một cách mạnh mẽ. Bộ Y tế kêu gọi các cấp chính quyền, các ban ngành, đoàn thể, các cơ quan, tổ chức và toàn thể mọi người dân cùng vào cuộc thực hiện khẩu hiệu “sử dụng kháng sinh có trách nhiệm”, nhằm giảm tình trạng kháng thuốc và bảo vệ nguồn kháng sinh quý giá tại Việt Nam và trên toàn thế giới.
Cũng theo ông Tiến, cần phải đưa những thông điệp về sử dụng kháng sinh có trách nhiệm ngay từ ban đầu cho các sinh viên trường y, dược để các bác sĩ, dược sĩ tương lai có thể ý thức sâu sắc trách nhiệm khi đặt bút kê đơn thuốc.
Đồng thời, Bộ Y tế cũng kêu gọi người dân khi sử dụng kháng sinh phải có sự tư vấn, thăm khám chỉ định của bác sĩ; khi uống thuốc phải uống đủ liều, đủ ngày, đủ thời gian theo chỉ định. Khi sử dụng thuốc kháng sinh không hết thì nên bỏ chứ không nên để đó và coi như món quà tặng những người nghi ngờ hoặc cần sử dụng thuốc.
Mỗi người dân cần nâng cao ý thức sử dụng thuốc kháng sinh, không sử dụng tùy ý bừa bãi; nhân viên y tế, nhà thuốc phải bán thuốc theo đơn; bác sĩ kê đơn có trách nhiệm; các bệnh viện tích cực giám sát tình trạng kháng thuốc, phòng chống nhiễm khuẩn bệnh viện; người chăn nuôi có ý thức trong sử dụng thức ăn gia súc, gia cầm, không để tồn dư kháng sinh trong thực phẩm… sự vào cuộc đồng bộ của mỗi cá nhân, các tổ chức, cộng đồng sẽ là biện pháp mạnh mẽ để chiến thắng trong cuộc chiến chống lịa tình trạng kháng thuốc đang đe dọa loài người.
Theo baotintuc.vn