Trang chủ >> Liên hiệp hội Việt Nam >> Báo cáo chuyên đề về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0)

Báo cáo chuyên đề về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0)

15/05/2018 | 2032

Ngày 13/05/2018, tại số 99 Nguyễn Phong Sắc, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội, Viện Kinh tế, Pháp luật và Quản lý đã tổ chức thành công buổi báo cáo chuyên đề khoa học về Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0). Tham dự và đồng chủ trì buổi báo cáo có GS.TS Hoàng Chí Bảo – Ủy viên thư ký thường trực Hội đồng Lý luận trung ương kiêm Chủ tịch hội đồng khoa học của Viện; Các nhà khoa học, nhà nghiên cứu cấp trung ương.

GS.TS Hoàng Chí Bảo Chủ trì buổi báo cáo chuyên đền về cuộc cách mạng 4.0

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang đến. Đây là cuộc cách mạng sản xuất mới gắn liền với những đột phá chưa từng có về công nghệ, liên quan đến kết nối internet, điện toán đám mây, công nghệ nano, in 3D, trí tuệ nhân tạo, hệ thống thực tế ảo... Cuộc cách mạng sản xuất mới này được dự đoán sẽ tác động mạnh mẽ đến mọi quốc gia, chính phủ, doanh nghiệp và người dân khắp toàn cầu, cũng như làm thay đổi căn bản cách chúng ta sống, làm việc và sản xuất. Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần phải làm gì để tiếp cận và bước lên được “đoàn tàu” cách mạng 4.0. Đây là câu hỏi, nội dung then chốt được các nhà lãnh đạo, nhà khoa học, nhà nghiên cứu tham gia bàn luận, chia sẻ và đóng góp ý kiến tại buổi báo cáo.

Theo GS.TS Hoàng Chí Bảo, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang là đề tài được rất nhiều tầng lớp nhân dân Việt Nam quan tâm đến. Vậy với chức năng, nhiệm vụ của một Viện nghiên cứu, chúng ta cần phải có những hoạt động nghiên cứu cụ thể, sâu sát thực tế để tìm ra mối quan hệ giữa khoa học, kỹ thuật và ứng dụng và thực tiễn đời sống. Viện Kinh tế, Pháp luật và quản lý phải làm rõ được những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư lên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quản lý từ đó đưa ra được những giải pháp cụ thể giúp các nhà lãnh đạo đất nước xây dựng thể chế, chính sách và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong thời kỳ mới. Đồng thời, góp phần giúp người dân mở rộng tầm nhìn, sự hiểu biết về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt đưa ra những đánh giá khách quan về bài báo cáo

 

Nhà Nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt rất quan tâm đến đề tài khoa học này. Ông đưa ra những quan điểm góp ý hết sức hữu ích. “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” là một khái niệm mới mẻ trong hầu hết các tầng lớp nhân dân. Vấn đề đặt ra cho các nhà nghiên cứu hiện nay là “phải làm sao để thuật ngữ mới này” dễ hiểu đối với tầng lớp chính trị, tầng lớp triển khai và tầng lớp văn hóa. Từ đó đưa cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư ứng dụng đúng với thực tế và trình độ dân trí nước ta.

Sau khi nghe trình bày báo cáo, TS. Văn Đình Ưng – nguyên Tổng biên tập báo Giáo dục và Thời đại cảm thấy rất hứng thú với đề tài khoa học. Tiến sĩ cũng góp ý kiến nên cụ thể và khái quát hóa bản báo cáo, đưa khái niệm “cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” phổ biến rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân. Nhưng trước mắt, bài báo cáo rất phù hợp để sử dụng làm giáo trình giảng dạy trong các trường đại học chuyên ngành.

PGS.TS Trần Thị Minh Tuyết - dưới góc nhìn là một người nghiên cứu về tư tưởng Hồ Chí Minh

Dưới góc nhìn là một người nghiên cứu về tư tưởng Hồ Chí Minh, PGS.TS Trần Thị Minh Tuyết – Giảng viên khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền thấy rằng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang có những tác động mạnh mẽ đến tầng lớp trí thức. Cụ thể nó tác động theo hai chiều hướng thuận và nghịch. Ở chiều thuận: cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại nhiều lợi ích trong tiếp cận lượng thông tin lưu trữ lớn, tạo ra môi trường trao đổi nghiên cứu khoa học trên quy môi toàn cầu, là công cụ hỗ trợ đắc lực cho công tác điều tra theo mô hình; Tuy nhiên, ở chiều nghịch: cuộc cách mạng đang đặt ra những thách thức lớn đối với các nhà khoa học chân chính, các nhà nghiên cứu, nhà quản lý trong việc chọn lọc và xử lý  khối lượng dữ liệu thông tin khổng lồ.

Buổi Báo cáo có sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học cấp Trung ương

Đã có nhiều ý kiến đánh giá, góp ý của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu cho bài báo cáo chuyên đề về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0). Kết thúc, GS.TS Hoàng Chí Bảo gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các khách mời đã tham gia và có những quan điểm thiết thực giúp cho Viện Kinh Tế, Pháp luật và Quản lý hoàn thiện đề tài nghiên cứu. Dự kiến 2018, Viện sẽ triển khai và tìm kiếm thêm nhiều đề tài khoa học mới có tính ứng dụng cao trong xã hội.

 
Tác giả bài viết: BBT

Các bài viết khác