Trang chủ >> Liên hiệp hội Việt Nam >> Tái sử dụng rác để bảo vệ môi trường

Tái sử dụng rác để bảo vệ môi trường

18/09/2018 | 1386

Ngày 24/7, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) phối hợp với Hội Kinh tế Môi trường (VIASEE) và Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) tổ chức Hội thảo Nguyên tắc “Người gây ô nhiễm phải chi trả” – Ví dụ điển hình từ việc quản lý chất thải rắn của Hàn Quốc. TS Phan Tùng Mậu – Phó chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam và Ths Nguyễn Ngọc Lý – Giám đốc CECR chủ trì hội thảo.

TS Phan Tùng Mậu – Phó chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Phan Tùng Mậu cho biết, chất thải là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ô nhiễm cho môi trường nếu không được thu gom hiệu quả. Nhất là ý thức nhận thức của bộ phận cộng đồng về bảo vệ môi trường còn thấp. Các vi phạm về vệ sinh môi trường như vứt rác bừa bãi, đổ trộm phế thải vẫn còn rất phổ biến.

Trình bày tại hội thảo, Ths Nguyễn Ngọc Lý – Giám đốc CECR cho biết, hiện nay, mỗi ngày trên địa bàn TP.HCM phát sinh khoảng 8.700 tấn rác sinh hoạt từ các khu dân cư, cơ sở sản xuất, trung tâm thương mại, chợ, nhà hàng, khách sạn… Tuy nhiên, phương pháp xử lý loại rác này hiện chủ yếu vẫn là chôn lấp.

Cũng theo Ths Lý thì Việt Nam hiện đang giống Hàn Quốc cách đây 30 năm trước, Hàn Quốc lúc đó có 96% rác thải bị chôn lấp; Tình trạng ô nhiễm và thiếu đất cho các bãi chôn lấp; Gánh nặng tài chính nhà nước trong xử lý rác. Tuy nhiên tới năm 2008, Hàn Quốc có ban hành Luật thúc đẩy Tái chế và Tiết kiệm Tài nguyên đó là bắt buộc tái chế, tái sử dụng rác, bắt buộc phân loại rác tại nguồn, bắt buộc sử dụng các sản phẩm tái chế, xây dựng các cơ cấu tài chính theo 3P, thúc đẩy xây dựng ngành xử lý tái sử dụng rác; Thành lập K-Eco với mục tiêu thực thi Luật Tái chế; Thành lập KORA đó là Cục dịch vụ tuần hoàn tài nguyên Hàn Quốc.

Ths Nguyễn Ngọc Lý – Giám đốc CECR trình bày tại hội thảo

Từ Luật Tái chế này, người dân phải tự có trách nhiệm thu gom và phân loại rác từ nguồn. Còn đối với doanh nghiệp thì họ tự thu gom và xử lý rác hoặc họ trả tiền công ty thu gom và tái chế rác. Ngoài ra các nhà máy này phải tuân thủ hệ thống dán mác các sản phẩm, bao bì tái chế theo quy định để đảm bảo việc phân loại tại nguồn. Còn đối với vai trò của Nhà nước lập ra cơ quan trung lập đó là K-Eco chịu trách nhiệm thúc đẩy tuần hoàn tài nguyên và xây dựng dân tộc thân thiện với sinh thái và Kora là cơ quan thực thi tuần hoàn tài nguyên và thúc đẩy EPR, đưa khoa học công nghệ vào việc thu gom và tái chế các nguyên liệu khác nhau và thúc đẩy xây dựng ngành công nghiệp tác chế Hàn Quốc, Ths Lý cho biết.

Và kết quả sau 25 năm (năm 2016) cho thấy người dân sản xuất ít rác hơn và lượng rác giảm theo đầu người từ 1,77 kg/ngày còn 1,01 kg/ngày; Sản lượng rác được tái chế tăng 72%; 93% bao bì nhựa phim được tái chế; 6 tỉ đô Mỹ từ vật dụng tái chế; 5 tỉ đô Mỹ từ việc cắt giảm chi phí đốt và chôn rác; 14,905 việc làm được tạo ra; Giảm được khí CO2.

Tại Hội thảo, các đại biểu đều nhấn mạnh tầm quan trọng của cộng đồng trong việc thực hiện hạn chế phát thải chất thải. Cụ thể, đối với các dự án ưu tiên như: thí điểm phân loại rác thải tại nguồn, người dân là chủ thể; sản xuất phân hữu cơ tại cộng đồng; hạn chế sử dụng túi nilon, tái chế sử dụng sản phẩm nhựa…

Trách nhiệm của công dân về bảo vệ môi trường, đồng hành cùng với các cấp chính quyền. Nếu mỗi người hình thành thói quen phân loại, thu gom và tái sử dụng rác thải một cách tự nhiên thì sẽ hình thành văn hóa bảo vệ môi trường, Ths Lý chia sẻ.

 
Tác giả bài viết: HT

Các bài viết khác