Trang chủ >> Liên hiệp hội Việt Nam >> Xem xét đổi tên Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam

Xem xét đổi tên Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam

08/02/2018 | 1254

Đó là một trong những kết luận của GS.TSKH Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) tại Hội thảo “Đánh giá quá trình phát triển Liên hiệp Hội Việt Nam” diễn ra vào sáng ngày 11/8/2017 do Liên hiệp Hội Việt Nam tổ chức tại Hải Phòng ...

Đó là một trong những kết luận của GS.TSKH Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) tại Hội thảo “Đánh giá quá trình phát triển Liên hiệp Hội Việt Nam” diễn ra vào sáng ngày 11/8/2017 do Liên hiệp Hội Việt Nam tổ chức tại Hải Phòng.

Quang cảnh buổi hội thảo

Liên hiệp Hội Việt Nam thành lập năm 1983. Sau hơn 30 năm hoạt động, số lượng hội thành viên và số lượng trí thức, những người hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ tăng nhanh. Từ 15 hội thành viên lúc mới thành lập, nay đã có 140 hội thành viên. Tất cả 63 tỉnh/thành phố đều đã có Liên hiệp Hội với 1.300 hội thành viên. Liên hiệp Hội trở thành tổ chức tin cậy của đội ngũ trí thức, sự tham gia hoạt động và tập hợp ngày càng đông đảo của đội ngũ trí thức trong hệ thống là xu thế tất yếu và làm cho Liên hiệp Hội có vai trò quan trọng trong hệ thống chính trị của nước ta.

Đại diện lãnh đạo Liên hiệp Hội Việt Nam, TS Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký đã đưa ra những đánh giá khách quan, sát thực về vị thế của Liên hiệp Hội Việt Nam trong quá trình phát triển từ khi thành lập đến nay. Theo đó, từ một tổ chức xã hội nghề nghiệp, Liên hiệp Hội Việt Nam đã trở thành tổ chức chính trị – xã hội dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, là thành tố quan trọng trong hệ thống chính trị. Liên hiệp Hội là một tổ chức nòng cốt, địa chỉ tin cậy của Đảng và Nhà nước trong công tác vận động trí thức. Theo sự chỉ đạo của Bộ chính trị, Liên hiệp Hội đang tích cực đổi mới nội dung và phương thức hoạt động để đến 2020 thực sự trở thành một tổ chức chính trị – xã hội vững mạnh đại diện cho đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ nước nhà.

Điều lệ trong giai đoạn 10 năm đầu của Liên hiệp Hội xác định: Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam là tổ chức của tất cả các hội khoa học và kỹ thuật vủa người Việt nam ở trong và ngoài nước, vì vậy tên của tổ chức là Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Điều lệ từ sau 1993 trở đi xác định: Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam là tổ chức chính trị – xã hôi của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt nam. Như vậy, Liên hiệp đã xác định là tổ chức hội của trí thức khoa học và công nghệ một cách trực tiếp không phải là tổ chức gián tiếp của trí thức thông qua các hội khoa học và kỹ thuật mà trí thức tham gia hoạt động. Chính vì thế, trong thời gian tới, cần suy nghĩ đến việc đổi lại tên của Liên hiệp Hội cho phù hợp với Điều lệ hiện hành.

Các đại biểu tham dự hội thảo cũng đã tích cực trao đổi, thảo luận và đưa ra các ý kiến xoay quanh những vấn đề lớn về thực trạng thể chế hóa chủ trương chính sách của Đảng đối với Liên hiệp Hội địa phương. Theo đó, việc thể chế hóa các chính sách của Đảng cũng có nhiều thuận lợi, nổi bật đó là, đến nay đã có 52 tỉnh/thành phố ban hành quyết định giao cho Liên hiệp hội địa phương thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội sau khi quyết định 14/2014/QĐ-TTg được ban hành. Một số tỉnh cũng đã ra quyết định phê duyệt Đề án Phổ biến kiến thức Khoa học công nghệ. Về việc tổ chức các hội thi, cuộc thi, đến nay đã có 41/63 tỉnh ban hành văn bản liên quan và có 50 Liên hiệp hội là cơ quan thường trực tổ chức các hội thi, giải thưởng. Ngoài ra, một số đơn vị điển hình như Liên hiệp Hội Hà Tĩnh, tỉnh đã ban hành Quy định về tổ chức Lễ tôn vinh trí thức định kỳ 5 năm và giao cho Liên hiệp Hội thực hiện; Liên hiệp Hội Tp Hồ Chí Minh cũng nhận được sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo chính quyền thành phố qua các thời kỳ, luôn khuyến khích đánh giá cao vai trò của Liên hiệp Hội, không giới hạn sự tham gia của Liên hiệp Hội trong việc tư vấn, phản biện các dự án của thành phố.

20839996 1561448877209493 1551354644 o

Đại biểu phát biểu ý kiến

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng dành nhiều thời gian thảo luận về các kịch bản có thể xuất hiện trong thời gian tới đối với hình thái, vai trò và hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam trong tình hình mới. Nhiều ý kiến đồng thuận rằng, Liên hiệp Hội Việt Nam ra đời do du cầu của Cách mạng, của Đảng, của dân tộc và đã có nhiều đóng góp cho đất nước, đặc biệt là vai trò tập hợp đội ngũ trí thức xây dựng và phát triển đất nước, vì thế Liên hiệp Hội Việt Nam sẽ liền với tính chính trị – xã hội, cần xác định cho đúng để có thể phát huy tối đa sức mạnh của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ góp phần phát triển và bảo vệ Tổ quốc.

Thay mặt lãnh đạo Liên hiệp Hội Việt Nam, GS.TSKH Đặng Vũ Minh cũng đã ghi nhận các ý kiến tâm huyết của các đại biểu. Chủ tịch cũng nhấn mạnh rằng, Liên hiệp các tỉnh/thành phố cần khắc phục các khó khăn, tập trung triển khai tốt các hoạt động tại địa phương như tư vấn, phản biện, phổ biến kiến thức và tôn vinh trí thức, Liên hiệp Hội Việt Nam sẽ hỗ trợ hết sức, tối đa cho các đơn vị gặp khó khăn về cơ chế và tài chính. Bên cạnh đó, Lãnh đạo Liên hiệp Hội Việt Nam cũng sẽ xem xét và thực hiện việc nghiên cứu đổi tên Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, vai trò của đội ngũ trí thức trong thời gian tới.

Tác giả bài viết: Bích Hồng

Nguồn tin: vusta.vn


Các bài viết khác