Trang chủ >> Khoa học và công nghệ >> Đưa khoa học công nghệ trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững

Đưa khoa học công nghệ trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững

27/07/2023 | 157

Đưa khoa học công nghệ trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững Cùng với việc đầu tư phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ (KH&CN), ngành KH&CN tỉnh Hưng Yên đã tập trung triển khai nghiên cứu và ứng dụng KH&CN thông qua thực hiện các đề tài, dự án. Hoạt động nghiên cứu thử nghiệm (R&D) và ứng dụng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần tạo bứt phá, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cho nền kinh tế.

Cùng với việc đầu tư phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ (KH&CN), ngành KH&CN tỉnh Hưng Yên đã tập trung triển khai nghiên cứu và ứng dụng KH&CN thông qua thực hiện các đề tài, dự án. Hoạt động nghiên cứu thử nghiệm (R&D) và ứng dụng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần tạo bứt phá, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cho nền kinh tế.

 

ThS. Trần Tùng Chuẩn - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Hưng Yên

Bám sát yêu cầu thực tiễn

ThS. Trần Tùng Chuẩn - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Hưng Yên cho biết: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, cùng với sự hướng dẫn của Bộ KH&CN, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành…, đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu ứng dụng KH&CN đã nỗ lực tạo nên nhiều thành quả nổi bật, đóng góp đáng kể vào việc hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo phát triển theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo theo quy định và phù hợp với thực tiễn.

Sở đã tham mưu UBND tỉnh tuyển chọn và triển khai 77 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh ở tất cả các lĩnh vực (nông nghiệp và phát triển nông thôn; công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp; khoa học xã hội và nhân văn; sở hữu trí tuệ; y tế, môi trường); 03 nhiệm vụ KH&CN thuộc Chương trình nông thôn miền núi. Giai đoạn 2021 - 2023, có nhiều doanh nghiệp đã tham gia nghiên cứu, ứng dụng KH&CN phục vụ sản xuất, kinh doanh như: Công ty TNHH dược Hanvet; Công ty cổ phần công nghệ phát triển nông nghiệp Việt Nam; Công ty cổ phần công nghệ sinh học,…

Ngoài ra, Sở cũng phối hợp với các cơ quan nghiên cứu của Trung ương, ngành nông nghiệp, các hội, đoàn thể trong tỉnh,... xây dựng 45 mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật. Trong đó, nhiều mô hình mang lại hiệu quả, có giá trị kinh tế cao (mô hình nuôi gà Đông tảo, nuôi thương phẩm ba ba gai, cá lăng, cá chép V1, Cúc hoa vàng, Đương quy, Ngưu tất, ...). Tập trung hỗ trợ xây dựng, bảo hộ tài sản trí tuệ (nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý...) cho 21 sản phẩm đặc sản, chủ lực của địa phương,...

Đến nay, Hưng Yên có 30 sản phẩm đặc sản, chủ lực đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, gồm: 01 chỉ dẫn địa lý “Hưng Yên ” cho sản phẩm nhãn lồng; 12 nhãn hiệu chứng nhận như: Vải trứng Hưng Yên; mật ong hoa nhãn Hưng Yên; cam Hưng Yên…; 17 nhãn hiệu tập thể như: Tương bần; quất cảnh Văn Giang; gà Đông Tảo,...

Đồng thời, Sở cũng đã tổ chức tổng kết, đánh giá, nghiệm thu 48 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh; 04 nhiệm vụ KH&CN thuộc Chương trình nông thôn miền núi do Trung ương quản lý. Tham gia góp ý đối với 204 dự án đầu tư, cấp 16 Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ của dự án đầu tư vào địa bàn tỉnh thuộc các lĩnh vực: Công nghệ sản xuất dược phẩm cho người và động vật; công nghệ sản xuất sản phẩm điện, điện tử, linh kiện bán dẫn, nhựa-plastic; công nghệ sản xuất thiết bị thông minh; ban hành 144 bản thông báo công bố hợp quy; 64 thông báo công bố hợp chuẩn; tiếp nhận 1693 bản đăng ký kiểm tra chất lượng thép nhập khẩu của các doanh nghiệp; tiến hành kiểm tra nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và ghi nhãn hàng hóa tại 302 cơ sở và cơ quan hành chính các cấp; hỗ trợ áp dụng đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng cho 60 tổ chức, doanh nghiệp; hỗ trợ kiểm định 20 cân đối chứng và 1.573 cân thông dụng các loại tại 24 chợ trên địa bàn tỉnh; kiểm định đối với 27.799 phương tiện đo các loại (loại bỏ 688 phương tiện đo không đạt yêu cầu đo lường) phục vụ sản xuất, giao nhận, thanh toán, đảm bảo an toàn trong sản xuất và khám, chữa bệnh cho nhân dân.


ThS. Trần Tùng Chuẩn, Giám đốc Sở KH&CN và Đoàn công tác thăm khu nhà sản xuất ứng dụng công nghệ cao Việt - Hàn tại Hà Nội 

Thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo

Bên cạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học, phát triển công nghệ, công tác quản lý nhà nước về KH&CN, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cũng được quan tâm, đẩy mạnh.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 08 doanh nghiệp KH&CN, 09 tổ chức KH&CN do Sở KH&CN cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động. Nhằm lan tỏa rộng phong trào “Khởi nghiệp”, Sở đã tổ chức 01 tọa đàm, 07 hội thảo khoa học, hỗ trợ 04 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; xây dựng và phát sóng 10 phóng sự ngắn tuyên truyền về hoạt động KH&CN trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; hỗ trợ 05 doanh nghiệp tham gia trưng bày, trình diễn giới thiệu công nghệ mới tại các sự kiện kết nối cung- cầu công nghệ,...

Ngoài ra, Sở cũng tổ chức 13 lớp tập huấn phổ biến các kiến thức về KH&CN cho trên 13.000 lượt người tham dự; hỗ trợ đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ trong nước cho 17 nhãn hiệu; tham mưu, trình UBND tỉnh công nhận 43 sáng kiến có phạm vi áp dụng trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ nghiên cứu hoàn thiện, áp dụng đối với 02 sáng kiến;…

Đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến, cung cấp thông tin KH&CN, Sở đã vận hành sàn giao dịch công nghệ của tỉnh tại địa chỉ: sancongnghehungyen.vn; xuất bản 10 số bản tin KH&CN với 10.000 cuốn; đăng tải 300 tin bài lên Cổng thông tin điện tử của Sở; cập nhật, bổ sung các thông tin về kết quả ứng dụng nhiệm vụ KH&CN lên hệ thống cơ sở dữ liệu KH&CN quốc gia,…

Thời gian tới, Sở KH&CN tỉnh Hưng Yên sẽ tiếp tục

rà soát, xây dựng, tham mưu trình UBND tỉnh ban hành một số cơ chế, chính sách liên quan đến KH&CN, đổi mới sáng tạo, đưa KH&CN, đổi mới sáng tạo trở thành động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực KH&CN.

Cùng với đó, nghiên cứu đề xuất, điều chỉnh, bổ sung và xây dựng mới các chính sách phát triển toàn diện hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; khuyến khích và thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp; hỗ trợ, thu hút đầu tư vào hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh.

Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu phát triển, ứng dụng tiến bộ khoa học và đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh; triển khai các hoạt động xúc tiến công nghệ cho các doanh nghiệp trong nước từ các nước tiên tiến trên thế giới,...

Đồng hành cùng các doanh nghiệp, ngành sẽ từng bước đổi mới toàn diện cơ chế quản lý các nhiệm vụ KH&CN theo hướng giảm thủ tục hành chính (TTHC). Hiện 100% TTHC lĩnh vực KH&CN đã được đơn giản hóa, rút ngắn thời gian thực hiện, đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần. Giai đoạn 2021 - 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, Sở đã tiếp nhận và giải quyết 1.234 hồ sơ TTHC; tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng và trước hạn đạt 100%, các hồ sơ đều được tiếp nhận bằng hình thức trực tuyến và trả kết quả tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh.

Hà Thành (Vietnam Business Forum)

Nguồn: https://vccinews.vn/prode/47130/dua-khoa-hoc-cong-nghe-tro-thanh-dong-luc-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-nhanh-ben-vung.html


Các bài viết khác