Trang chủ >> Khoa học và công nghệ >> Sản xuất nước tẩy rửa sinh học đa năng

Sản xuất nước tẩy rửa sinh học đa năng

21/03/2023 | 83

Xuất phát từ thực tế các gia đình sử dụng rất nhiều chất tẩy rửa hoá học gây ảnh hưởng không tốt tới sức khoẻ, 3 học sinh Vũ Nam Khánh, Nguyễn Long Khánh và Nguyễn Trung Tài Trí, học sinh lớp 9A, Trường THCS Đình Dù (Văn Lâm) với sự giúp đỡ của thầy giáo Nguyễn Đình Thiêm đã đưa ra giải pháp Ứng dụng vi sinh vật trong sản xuất nước tẩy rửa sinh học đa năng. Giải pháp đã đoạt giải Nhì tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ IV năm 2022.

 

 

Nhóm tác giả và thầy giáo hướng dẫn được tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh

 


Chia sẻ về ý tưởng, các em cho biết: Các loại nước tẩy rửa trong sinh hoạt sản xuất theo phương pháp công nghiệp có chứa chất hoá học gây ô nhiễm môi trường, khi sử dụng ảnh hưởng trực tiếp đến da tay. Trong khi đó, nhiều loại rác thải sinh hoạt có nguồn gốc từ thực vật, vỏ 1 số loại trái cây có tinh dầu thơm và có tính kháng khuẩn. Vì vậy, chúng em mong muốn tìm ra phương pháp để sản xuất nước tẩy rửa sinh học hiệu quả và đơn giản, có tính thân thiện với môi trường.


Đại diện nhóm học sinh, em Vũ Nam Khánh cho biết: Quy trình sản xuất rất đơn giản gồm 2 bước: Sản xuất dung dịch gốc từ các nguyên liệu như: 10 lít nước; cám gạo; rỉ mật đường hay 1kg đường vàng; 2 hộp sữa chua; 10 gói men tiêu hóa; 100g men rượu và 2 quả chuối chín. Các nguyên liệu được trộn đều trong thùng chứa; dùng 1 tấm vải để đậy thùng chứa, sau đó đậy hờ nắp sao cho oxi có thể lọt vào nhưng vẫn ngăn chặn côn trùng (kiến, ruồi, gián…) xâm nhập. Mỗi ngày, khuấy từ 3 đến 5 lần, mỗi lần khoảng 5 phút, bảo đảm cung cấp đầy đủ khí oxi cho vi sinh vật sinh trưởng tốt. Khoảng 10 đến 15 ngày thu được chế phẩm gốc. Sau khi đã tạo được dung dịch gốc thì ta có thể sản xuất lên số lượng lớn dung dịch IMO chỉ bằng nước sạch và đường tùy vào nhu cầu sử dụng.


Khi đã có dung dịch gốc thì chúng ta chuẩn bị thêm: Rỉ mật đường hoặc đường vàng; thảo mộc, cỏ mần trầu, ngải cứu; vỏ trái cây như: vỏ cam, vỏ bưởi, vỏ quýt, vỏ chanh (hoặc cả quả); quả quất, cây sả, quả bồ hòn, cám gạo… Sau đó, cho tất cả các nguyên liệu (được chứa trong túi lưới) vào thùng, đảo trộn đều rồi đậy nắp thùng lại. Trong quá trình ủ, tiếp tục cho thêm dung dịch gốc. Sau 2 tuần, lọc sản phẩm lên men để bảo đảm sản phẩm không còn cặn bã, nhỏ vào dung dịch sản phẩm vài giọt tinh dầu (sả hay quế) để khử mùi chua, tạo mùi thơm dễ chịu… Sản phẩm không cần sử dụng chất bảo quản, thành phẩm đóng chai và bảo quản ở nhiệt độ bình thường. 


Thầy giáo Nguyễn Đình Thiêm, giáo viên đồng hành cùng với các em thực hiện giải pháp cho biết: Tính mới của giải pháp là ứng dụng vi sinh vật bản địa (IMO) trong việc thúc đẩy quá trình phân giải và tổng hợp các chất hữu cơ góp phần rút ngắn thời gian tạo thành sản phẩm nước tẩy rửa sinh học so với phương pháp ngâm ủ enzim. Nước tẩy rửa sinh học có thể sử dụng để rửa chén, lau sàn, lau bàn, lau kính, lau bếp... Giải pháp được Ban Tổ chức hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh đánh giá cao. Các gia đình được tặng rất thích khi sử dụng sản phẩm.


Ghi nhận kết quả đó, 3 học sinh cùng giáo viên hướng dẫn đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen có giải pháp đoạt giải Nhì trong Hội thi sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Hưng Yên lần thứ IV, năm 2022.  Đây là động lực để các em tiếp tục niềm đam mê nghiên cứu khoa học, ấp ủ nhiều ý tưởng sáng tạo, vững bước trên con đường lập thân, lập nghiệp...


PV - Báo Hưng Yên


Các bài viết khác