Trang chủ >> Khoa học và đời sống >> Đi chợ bằng làn, gói hàng bằng lá... để "chống rác thải nhựa"

Đi chợ bằng làn, gói hàng bằng lá... để "chống rác thải nhựa"

15/07/2019 | 1021

Khi phong trào “Chống rác thải nhựa” lan tỏa mạnh mẽ ở khắp các tỉnh thành của cả nước, nhiều người dân Hưng Yên cũng đang dần thay đổi nhận thức, từ bỏ thói quen sử dụng túi nilon… để thay thế bằng đồ dùng làm từ thiên nhiên và thân thiện với môi trường.

Bà Trương Thị Bắc ở Tuấn Dị, xã Trưng Trắc (Văn Lâm) đang thu hoạch lá dong


Đi chợ bằng làn, hạn chế sử dụng túi nilon


Hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa” do Bộ TN&MT phát động ngày 15.5.2019, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 76/KH-UBND thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, kêu gọi các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh; đề nghị các tổ chức chính trị xã hội, các ban, sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố cùng chung tay để phong trào lan rộng trên toàn tỉnh… 


Đến nay, nhiều cơ quan, đơn vị như Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Thanh Tra tỉnh… đã ký cam kết, phát động phong trào “Chống rác thải nhựa” đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cùng chung tay thay đổi thói quen tiêu dùng, giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế rác thải nhựa; tăng cường sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường, khuyến khích sử dụng bao bì, túi đựng nhiều lần...


Trước khi phong trào “Chống rác thải nhựa” trở thành phong trào sâu rộng thì các Câu lạc bộ (CLB) “Phụ nữ hạn chế sử dụng túi nilon” của Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh đã được thành lập từ sớm ở nhiều Chi hội phụ nữ ở các địa phương và mang lại những hiệu quả thiết thực. 


Năm 2009, xã Song Mai (Kim Động) được Hội LHPN tỉnh chọn để thí điểm triển khai mô hình CLB “Phụ nữ hạn chế sử dụng túi nilon”. Đến nay, Hội LHPN các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Động đã thành lập và duy trì hiệu quả hoạt động 16 CLB “Phụ nữ hạn chế sử dụng túi nilon với sự tham gia của trên 800 hội viên. Qua hoạt động tuyên truyền và qua hành động hạn chế sử dụng, tái sử dụng túi nilon khi đi chợ và trong sinh hoạt hàng ngày của thành viên CLB thời gian qua đã từng bước tác động đến nhận thức người dân địa phương về tác hại của túi nilon với môi trường và tiến tới hạn chế, loại bỏ thói quen sử dụng túi nilon. 


Từ kết quả thu được, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội đồng loạt triển khai xây dựng mô hình tại các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có trên 80 CLB “Phụ nữ hạn chế sử dụng túi nilon”. Tại các CLB, hầu hết các hội viên, phụ nữ đã có ý thức sử dụng làn nhựa đi chợ, trong đó, rau, củ được bỏ vào làn; thịt, cá được bỏ vào các hộp nhựa. Bên cạnh đó, hội viên, phụ nữ cũng biết phân loại rác như sử dụng rác hữu cơ để làm phân bón, thức ăn cho gia súc, gia cầm và đốt hoặc chôn lấp đối với rác thải khó phân hủy…


Thời gian qua, ý thức về việc hạn chế sử dụng túi nilon đã dần được nâng lên trong cộng đồng dân cư trên toàn tỉnh. Một số cửa hàng thực phẩm trên địa bàn thành phố Hưng Yên bắt đầu sử dụng túi giấy hoặc các loại túi dễ phân hủy để gói rau, củ, quả thay cho túi nilon. Chị Huyền, nhân viên bán hàng tại cửa hàng thực phẩm Home Fresh Mart (thành phố Hưng Yên) cho biết: “Hiện nay, cửa hàng sử dụng túi giấy để bọc, đựng một số loại rau xanh, hoa quả, thân thiện với môi trường nên được nhiều khách hàng đón nhận”.


Lá dong, lá chuối “đắt hàng”


Thời gian gần đây, lá chuối, lá dong… được các siêu thị, cửa hàng và một bộ phận người dân sử dụng để gói thực phẩm. Đây là việc làm thiết thực để dần loại bỏ túi nilon khỏi thói quen khi mua sắm của người tiêu dùng, góp phần bảo vệ môi trường. Nhờ vậy mà nhiều người dân chuyên trồng chuối, lá dong tại một số địa phương trong tỉnh có thêm thu nhập từ bán lá.


Thôn Tuấn Dị, xã Trưng Trắc (Văn Lâm) là địa phương có truyền thống trồng cây lá dong với diện tích khoảng 5ha. Cây lá dong cho thu hoạch quanh năm. Dịp Tết Nguyên đán là vụ thu hoạch chính, còn vào ngày thường, người dân thôn Tuấn Dị cắt tỉa lá dong loại nhỏ phục vụ nhu cầu gói các loại thực phẩm như: nem, giò, bánh, xôi… 


Dù không phải chính vụ nhưng những ngày này, gia đình bà Trương Thị Bắc ở thôn Tuấn Dị vẫn tất bật thu gom lá dong của các hộ dân trong thôn về để cung cấp cho các mối hàng ở các tỉnh Hải Phòng, Hà Nội, Hải Dương, Lạng Sơn… Gần 30 năm làm nghề thu mua lá dong, bà Bắc cho biết: “Thời gian gần đây, thị trường tiêu thụ lá dong tăng mạnh. Trước kia, mỗi ngày tôi xuất ra thị trường khoảng 1 vạn lá thì bây giờ lên đến 2 – 3 vạn lá/ngày, có thời điểm không đủ hàng để bán. 


Cây lá dong trồng ở Tuấn Dị là giống nếp, phiến lá dài và rộng, mỏng mà dai, màu xanh ngăn ngắt, có mùi thơm đặc trưng… nên được thị trường ưa chuộng. 


Do có các đặc điểm phù hợp trong nhu cầu bọc, gói thực phẩm như: kích cỡ lớn, lá có độ dẻo, bảo đảm hương vị thực phẩm, không độc hại như túi nilon… nên những năm qua, lá chuối tươi và lá chuối khô được ưu ái sử dụng để gói các loại bánh gai, bánh gấc, gói giò, nem hay bọc các loại rau xanh… Tại các vùng trồng chuối lớn trên địa bàn tỉnh như các huyện Khoái Châu, Kim Động, nắm bắt được xu thế của thị trường, người trồng chuối đã khai thác thêm lá chuối để tăng thu nhập.


Gia đình ông Bùi Văn Minh ở xã Đức Hợp (Kim Động) hiện trồng trên 80 mẫu chuối các loại. Những ngày này, thương lái từ Hà Nội thường sang tận vườn để lựa chọn, thu hái lá.  Ông Minh cho biết: “Mỗi tháng gia đình tôi cũng có thêm thu nhập khoảng 6 – 8 triệu đồng từ tiền bán lá chuối tươi”. 


Dương Miền


Các bài viết khác