Trang chủ >> Khoa học và đời sống >> Hưng Yên: Khoảng 30 tấn rác thải nilon mỗi ngày

Hưng Yên: Khoảng 30 tấn rác thải nilon mỗi ngày

07/06/2018 | 1377

Với sự tiện lợi và giá thành rẻ khiến các sản phẩm nhựa, đặc biệt là túi nilon được sử dụng phổ biến trong tiêu dùng. Tuy nhiên, việc sử dụng và thải bỏ túi nilon như hiện nay đang khiến môi trường bị ô nhiễm, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái và sức khỏe con người. Thay đổi thói quen tiêu dùng hạn chế sử dụng túi nilon là biện pháp lâu dài và bền vững cho môi trường hiện tại và tương lai.

Túi nilon khó phân hủy vẫn đang được sử dụng khá phổ biến tại chợ Gạo

(thành phố Hưng Yên)

Với ưu điểm mỏng, nhẹ, bền, chắc, tiện dụng và giá thành thấp, túi nilon đã có mặt ở hầu khắp các cửa hàng từ nhỏ lẻ đến các siêu thị, trung tâm thương mại lớn và đã trở thành vật dụng không thể thiếu trong cuộc sống của phần lớn người dân. Túi nilon được sử dụng để chứa đựng hầu hết các sản phẩm hàng hóa ở thể rắn và lỏng. Chúng ta có thể dễ dàng mua được túi nilon đáp ứng các nhu cầu sử dụng của mình ở mọi nơi với giá thành rẻ, chỉ khoảng 20 – 50 nghìn đồng/kg. Giá rẻ lại tiện lợi khiến không ít người tiêu dùng sử dụng túi nilon một cách lãng phí và thải ra môi trường một lượng túi nilon lớn, gây ô nhiễm môi trường. Tại các chợ dân sinh, hình ảnh các bà nội trợ dùng túi lớn, túi nhỏ nilon chứa rau, củ, quả, thực phẩm đã trở nên phổ biến. 
 
Theo  khảo sát của Sở Tài nguyên và Môi trường, trung bình mỗi ngày toàn tỉnh thải ra trên 300 tấn rác thải sinh hoạt, trong đó rác thải nilon chiếm khoảng 10%. Túi nilon rất khó phân hủy trong điều kiện tự nhiên. Sự tồn tại của túi nilon trong môi trường tự nhiên làm thay đổi tính chất vật lý của đất, gây xói mòn đất, làm cho đất không giữ được nước, ảnh hưởng tới sự sinh trưởng của cây trồng. Nếu túi nilon bị vứt xuống ao, hồ, sông ngòi sẽ làm tắc nghẽn dòng chảy, cống, rãnh, kênh, rạch, gây ứ đọng nước thải và ngập úng, gây ô nhiễm môi trường… Nghiêm trọng hơn, môi trường bị ô nhiễm bởi túi nilon sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Túi nilon thường dùng đựng thực phẩm được làm từ nhựa PE hoặc nhựa PP vốn không chứa độc, nhưng những chất phụ gia làm cho nhựa mềm, dẻo lại có khả năng gây độc cho người sử dụng. Nguy hiểm hơn là hiện nay các loại túi nilon bán trên thị trường chủ yếu là túi nilon từ nhựa tái chế, có khả năng chứa đựng nhiều vật chất độc hại. Khi chứa đựng thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm đã qua chế biến có thể gây ngộ độc cấp hoặc mãn tính.
 
Rác nilon thải nhiều ra môi trường do túi nilon dễ mua, giá rẻ nên dễ tạo thói quen cho người sử dụng, thường dùng một lần rồi vứt đi. Nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong việc hạn chế sử dụng túi nilon, toàn tỉnh đã thành lập được 65 mô hình câu lạc bộ hạn chế sử dụng túi nilon. 
 
Chúng tôi có mặt tại xã Liêu Xá (Yên Mỹ), nơi phong trào tuyên truyền về hạn chế sử dụng túi nilon trong tiêu dùng đang được triển khai mạnh mẽ. Trên địa bàn xã đã thành lập được 3 câu lạc bộ phụ nữ hạn chế sử dụng túi nilon với 227 thành viên tham gia. Thông qua các buổi sinh hoạt câu lạc bộ và trong cuộc sống hàng ngày, các chị em phụ nữ đã hướng dẫn, nhắc nhở nhau hạn chế sử dụng túi nilon. Các bà, các chị ở thôn Liêu Trung, xã Liêu Xá giờ đây mỗi khi đi chợ lại mang theo chiếc làn đỏ. Rau, củ, quả và nhiều loại hàng hóa khác được để trực tiếp trong làn nên đã hạn chế được việc sử dụng túi nilon để đựng đồ.
Dùng làn đi chợ nhằm hạn chế sử dụng túi nilon tại xã Liêu Xá (Yên Mỹ)
Chị Lưu Thị Phương, thôn Liêu Trung chia sẻ: “Từ ngày tham gia câu lạc bộ phụ nữ hạn chế sử dụng túi nilon, tôi cùng gia đình và nhiều chị em trong câu lạc bộ đã nhận thức được những tác hại của việc sử dụng túi nilon trong sinh hoạt. Chỉ khi thật sự cần thiết chúng tôi mới sử dụng túi nilon để đựng hàng hóa. Ngoài ra, chúng tôi cố gắng tái sử dụng túi nilon để vừa tiết kiệm chi phí vừa hạn chế thải túi nilon ra môi trường. Nhờ vậy, hiện nay, lượng túi nilon chúng tôi sử dụng trong sinh hoạt đã giảm từ 50 – 70% so với trước”.
 
Ngày môi trường thế giới năm nay có chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và túi nilon” đã cho thấy sự bức thiết của vấn đề ô nhiễm nhựa và túi nilon đối với môi trường và cuộc sống người dân. Để thay đổi thói quen tiêu dùng sử dụng nhiều túi nilon, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền còn cần có những cơ chế, chính sách để các loại túi thân thiện với môi trường phát triển như: Túi nilon tự phân hủy, túi vải không dệt, túi giấy… Luật Thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2012 đã quy định rõ túi nilon, bao bì được làm từ màng nhựa đơn polyetylen (túi nilon khó phân hủy) sẽ chịu mức thuế 30 – 50 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, việc thực hiện nộp thuế của các cơ sở sản xuất túi nilon còn nhiều hạn chế khiến giá bán túi nilon thấp khiến thói quen tiêu dùng của người dân chưa có nhiều chuyển biến tích cực.
 
Ông Trần Đăng Anh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều mô hình câu lạc bộ hạn chế sử dụng túi nilon nhưng hiệu quả hoạt động chưa cao. Do tính tiện dụng và giá thành rẻ khiến thói quen tiêu dùng sử dụng nhiều túi nilon vẫn còn phổ biến. Tại các bãi chứa, điểm tập kết rác thải túi nilon vẫn là loại rác thải phổ biến khiến hiệu quả xử lý rác thải đạt thấp. Tại các dòng chảy, rác thải là túi nilon cũng khiến việc lưu thông nước hạn chế, gây ứ đọng chất thải làm ô nhiễm môi trường gia tăng.
 
Ngày môi trường thế giới năm nay với nhiều hoạt động tuyên truyền, lồng ghép tuyên truyền sẽ góp phần thay đổi nhận thức và thói quen tiêu dùng theo hướng thân thiện hơn với môi trường. Song song với tuyên truyền, việc quản lý các cơ sở sản xuất, tái chế nhựa, túi nilon trên địa bàn tỉnh cũng sẽ được tăng cường nhằm hạn chế tác hại của ô nhiễm môi trường từ túi nilon”.
 
Mai Nhung

Các bài viết khác