Trang chủ >> Tin trong nước >> Để doanh nghiệp khoa học và công nghệ vươn lên thành đầu tàu dẫn dắt

Để doanh nghiệp khoa học và công nghệ vươn lên thành đầu tàu dẫn dắt

10/07/2024 | 43

Tại buổi họp bàn về “Chính sách phát triển Doanh nghiệp khoa học và công nghệ (DN KH&CN) Việt Nam” với Hiệp hội DN KH&CN (VTS) ngày 6/7/2024 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh yêu cầu các đại biểu tập trung thảo luận, đề xuất các giải pháp làm thế nào để các DN KH&CN phát huy vai trò đầu tàu trong việc ứng dụng làm chủ công nghệ, nâng cao năng suất lao động, cạnh tranh, làm hình mẫu cho các loại hình DN khác.

Xây dựng chính sách đặc thù cho DN KH&CN

Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh nhấn mạnh vai trò quan trọng của DN trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của đất nước, đặc biệt là những DN áp dụng KH&CN. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng cho rằng, mô hình hoạt động của DN tại Việt Nam hiện nay chủ yếu dựa vào việc tăng trưởng vốn và khai thác tài nguyên đến nay đã không còn nhiều dư địa để phát triển.


 Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh phát biểu tại buổi làm việc.

Hiện nay, chủ trương của Đảng, Nhà nước và cộng đồng DN Việt Nam đang tích cực chuyển đổi hướng phát triển KT-XH dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST). Nếu không áp dụng KH,CN&ĐMST, DN không thể cạnh tranh và nâng cao năng lực cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa, cũng như tiến sâu hơn vào thị trường quốc tế. Do đó, vấn đề quan trọng đặt ra đối với DN Việt Nam là cần phải ứng dụng KH,CN&ĐMST một cách nhanh chóng và hiệu quả.

“KH&CN là một vũ khí sắc bén, là điều kiện tiên quyết đối với quốc gia và DN. Nếu không làm chủ được công nghệ, không nắm được công nghệ, không khai thác được công nghệ thì không phát triển được”, Thứ trưởng Hoàng Minh khẳng định.

Thứ trưởng cho rằng, để các DN Việt Nam đi đầu và dẫn dắt thì cần làm chủ được công nghệ, nâng cao năng suất lao động, khả năng cạnh tranh, và trở thành hình mẫu cho các DN khác học tập… Đây cũng là nhiệm vụ của ngành KH&CN, của Bộ KH&CN đối với các DN KH&CN.

Xác định vai trò và tầm quan trọng của lực lượng DN Việt Nam, đặc biệt trong áp dụng KH,CN&ĐMST, năm 2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 13/2019/NĐ-CP về DN KH&CN nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Nghị định số 13/2019/NĐ-CP và Thông tư 10/2021/TT-BKHCN hướng dẫn Nghị định này cũng bộc lộ những vấn đề chưa đáp ứng được yêu cầu của DN. Trong thực tế, chính sách chỉ tập trung vào việc cấp Giấy phép chứng nhận DN KH&CN, chưa có cơ chế và chính sách theo dõi, thúc đẩy hoạt động hỗ trợ khác, hoặc mới chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ các nhiệm vụ KH&CN.

Bên cạnh đó, Nghị định số 13/2019/NĐ-CP và Luật KH&CN cũng xác định, DN KH&CN được hình thành từ hai nguồn chính: nhiệm vụ nghiên cứu và từ các DN được tiếp nhận chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên đến nay không có DN KH&CN nào được cấp Giấy chứng nhận hay đăng ký chuyển giao công nghệ. Trong khi đó các tập đoàn, DN lớn đang nhanh chóng thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ. Nếu DN KH&CN không tham gia vào chuyển giao công nghệ thì chính sách ưu đãi trên sản phẩm chuyển giao của các DN này nhận được nhiều ưu đãi hơn là sản phẩm hình thành từ quá trình nghiên cứu.

Để DN KH&CN vươn lên thành đầu tàu dẫn dắt, Bộ KH&CN xác định cần thiết phải xây dựng chính sách ưu đãi và hỗ trợ mạnh mẽ để khuyến khích DN KH&CN phát triển, đúng với quan điểm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính là lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, chia sẻ tầm nhìn và hành động, cùng làm cùng thắng và cùng phát triển với doanh nghiệp. Do đó, cần tập trung vào việc xác định rõ vai trò, vị thế của DN KH&CN; cần tăng cường thảo luận, trao đổi về các chính sách ưu đãi cho DN KH&CN nhằm đánh giá rõ những gì có thể thực hiện được ngay và những cần tiếp tục nghiên cứu và triển khai trong tương lai.

“Trong mọi hoạt động, Bộ KH&CN không tách rời DN KH&CN với chức năng quản lý nhà nước của Bộ. Bộ KH&CN luôn xác định vai trò quan trọng của DN KH&CN cũng như trách nhiệm của VTS, của Bộ là phải xây dựng chính sách ưu đãi cho DN KH&CN”, Thứ trưởng Minh nhấn mạnh.

Kiến nghị về ưu đãi hoạt động đổi mới sáng tạo, thúc đẩy KH&CN

Trong báo cáo về hoạt động của VTS, bà Phan Thị Mỹ Yến - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội VST cho biết, trong 4 năm từ 2021-2023, VST đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Các DN của VST ngày càng khẳng định được thương hiệu của mình tại thị trường trong nước và quốc tế. Nhiều DN tiêu biểu đã được VTS vinh danh bao gồm: Công ty TNHH Minh Long 1; Công ty CP Dược Phẩm Savi - Savipharm; Công ty CP Sao Thái Dương; Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông; Công ty CP Trapasaco; Công ty CP Tư vấn & Phát triển kỹ thuật Tài nguyên nước; Công ty TNHH Dược Hanvet…

Tuy nhiên, theo bà Phan Thị Mỹ Yến, hoạt động của VTS vẫn còn gặp nhiều khó khăn và thách thức. Một số kết quả hoạt động của DN thành viên chưa đạt được hiệu quả cao. Ngoài ra, các kế hoạch để phát triển giao lưu kết nối, mở rộng thị trường xuất khẩu và đầu tư sản xuất cũng gặp phải nhiều hạn chế.


Toàn cảnh buổi họ
p.

Tại buổi họp, các đại biểu đã thảo luận về những vấn đề liên quan chính sách ưu đãi và vướng mắc khó khăn của DN cần tháo gỡ. Đưa ra những ý kiến đóng góp cho các chính sách hỗ trợ hoạt động KH&CN. Đồng thời, đóng góp ý kiến cho Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 66/NQ-CP của Chính phủ về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.

Theo đó, các đại biểu đại diện cho VST đề xuất các cơ quan chức năng cần sớm ban hành nghị định hướng dẫn Luật Đấu thầu, trong đó thực thi các quy định về ưu đãi cho hoạt động ĐMST. Tăng cường năng lực tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và thúc đẩy hoạt động KH,CN&ĐMST.

Phối hợp với các sở KH&CN, cơ quan thuế của các địa phương về tổ chức tập huấn, hướng dẫn, triển khai thực hiện Nghị định số 13/2019/NĐ-CP. Qua đó, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, bảo đảm tính khả thi của các chính sách liên quan đến hoạt động KH&CN đã ban hành.

Bộ KH&CN cần đề xuất Chính phủ xem xét thiết lập cơ chế chính sách đặc thù, theo hướng coi hoạt động đầu tư nghiên cứu KH&CN là một hoạt động đầu tư có tính rủi ro, mạo hiểm cần được Nhà nước bảo trợ. Có cơ chế phối hợp nhằm thống nhất trình tự thủ tục chống xâm phạm và bảo vệ chủ sở hữu, đặc biệt là quyền sở hữu trí tuệ độc quyền.

Đặc biệt, cần có cơ chế ưu tiên rút ngắn thời gian cấp bằng sở hữu trí tuệ, tạo điều kiện cho các DN sản xuất thương mại hóa sản phẩm ra thị trường. Đề nghị Bộ KH&CN tạo điều kiện cho VST có thể hợp tác, tiếp cận, tiếp nhận, thụ hưởng các nguồn lực KH&CN của các tổ chức quốc tế hỗ trợ cho DN KH&CN Việt Nam.

Kết luận tại buổi họp, Thứ trưởng Hoàng Minh đánh giá cao kết quả mà VST đã đạt được. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị chức năng của Bộ KH&CN và VST phối hợp chặt chẽ và hiệu quả hơn để thúc đẩy vị trí, vai trò của cộng đồng DN KH&CN trong nền kinh tế.

“Bộ KH&CN và VTS cần thiết lập nhiệm vụ cụ thể cho việc phối hợp hoạt động trong giai đoạn 2024 - 2025. Mục tiêu là hỗ trợ, tạo điều kiện cho cộng đồng DN KH&CN chứng minh được sức mạnh và vai trò của mình. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực rất nhiều từ Bộ KH&CN cũng như VST thời gian tới”.


 Thứ trưởng Hoàng Minh thay mặt Lãnh đạo Bộ KH&CN tặng hoa chúc mừng VST 5 năm thành lập.

Nguồn:https://most.gov.vn/


Các bài viết khác