Trong những năm qua, hàng nghìn lượt nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) và gia đình NNCĐDC ở các địa phương trên địa bàn huyện Tiên Lữ được trợ giúp vốn phát triển sản xuất, đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cho thu nhập ổn định. Đặc biệt, chương trình hỗ trợ bê sinh sản đã góp phần đem lại hy vọng nâng cao chất lượng đời sống cho nhiều gia đình nạn nhân chất độc da cam ở các xã, thị trấn
Sau 10 năm triển khai thực hiện, từ 25 con bê ban đầu, đến nay đã sản sinh ra hàng trăm con bê, nhiều hộ đã phát triển chăn nuôi, đem lại thu nhập khá.
Chúng tôi đến thăm gia đình ông Phạm Văn Tần (xã Thủ Sỹ). Tham gia kháng chiến từ năm 1974 tại chiến trường Quân khu 5, đến năm 1976, ông Tần trở về quê hương mang theo thương tật 81% trên cơ thể và bị phơi nhiễm chất độc da cam. Bệnh tật khiến cuộc sống của gia đình ông Tần ngày càng khó khăn, vất vả. Ông Tần cho biết: Trước kia, gia đình tôi không có vốn để phát triển sản xuất… Năm 2012, gia đình được Ban vận động xây dựng Quỹ Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam huyện hỗ trợ 10 triệu đồng để mua bê giống. Sau 6 năm, từ con bê giống đầu tiên đã sinh thêm được 6 con bê. Những con bê cái tôi tiếp tục giữ lại nuôi để phát triển đàn. Nhờ có sự quan tâm hỗ trợ kịp thời của Đảng, Nhà nước và trực tiếp là Hội Chữ thập đỏ các cấp, cuộc sống của gia đình tôi đã thay đổi từng ngày. Không chỉ có đầy đủ phương tiện phục vụ nhu cầu sinh hoạt mà tôi còn có điều kiện đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chăn nuôi bò… Nhìn đàn bò 5, 6 con đang nhởn nhơ gặm cỏ trong trang trại rộng chừng 1 mẫu của gia đình ông Tần chúng tôi như thấy một cuộc sống mới tốt đẹp hơn đang hiện hữu trong gia đình ông.
Gia đình ông Phạm Văn Hưng (80 tuổi) ở xã Ngô Quyền được Ban vận động xây dựng Quỹ Bảo trợ NNCĐDC huyện hỗ trợ bê giống từ năm 2013. Đến nay, con bê ban đầu đã sinh được 5 con bê con. Từ nguồn tiền bán bê, gia đình ông đã có điều kiện để làm mới căn bếp, sửa sang nhà cửa, có thêm nguồn thu nhập để chữa bệnh cho ông… Nhớ lại những ngày gian khó, ông Hưng không khỏi ngậm ngùi: Trước kia vì đau yếu thường xuyên nên cuộc sống của gia đình tôi rất khó khăn. Từ năm 2013 đến nay, được sự quan tâm hỗ trợ của Ban vận động xây dựng Quỹ Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam các cấp, chúng tôi được hỗ trợ tiền mua bê sinh sản, hỗ trợ xây bể nước, làm chuồng nuôi bê… Đó là nguồn động lực rất lớn, tạo niềm tin, niềm hy vọng thúc đẩy gia đình tôi phấn đấu vươn lên từng bước ổn định cuộc sống.
Toàn huyện hiện có gần 500 NNCĐDC. Xác định việc trợ giúp NNCĐDC và gia đình NNCĐDC là nhiệm vụ trọng tâm, các cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia ủng hộ xây dựng Quỹ Bảo trợ NNCĐDC.
Năm 2017, Quỹ Bảo trợ NNCĐDC của huyện đã vận động ủng hộ đạt trên 430 triệu đồng, vượt 37% so với kế hoạch. Ban vận động xây dựng Quỹ Bảo trợ NNCĐDC huyện đã triển khai hỗ trợ gần 1 nghìn lượt nạn nhân và gia đình nạn nhân chất độc da cam với tổng số tiền trên 600 triệu đồng. Trong đó, tập trung hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam có nguồn vốn để phát triển kinh tế; xây, sửa nhà; khám, chữa bệnh và các nhu cầu tối thiểu cho gia đình nạn nhân chất độc da cam…
Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Tiên Lữ cho biết: Tại huyện Tiên Lữ, nhiều năm liền số tiền các tập thể, cá nhân, nhà hảo tâm ủng hộ Quỹ Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam các cấp luôn vượt cao so với chỉ tiêu đề ra.
Huyện đã đặt ra mục tiêu hỗ trợ cụ thể, tập trung vào trợ giúp nạn nhân chất độc da cam và gia đình nạn nhân chất độc da cam có nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất, có thu nhập ổn định. Đến nay, toàn huyện có trên 50% số gia đình nạn nhân chất độc da cam có kinh tế trung bình khá trở lên.
Theo kế hoạch, trong thời gian tới, Ban vận động xây dựng Quỹ Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam huyện tiếp tục rà soát, thẩm định nhu cầu hỗ trợ của NNCĐDC và gia đình NNCĐDC để xây dựng chương trình hỗ trợ kịp thời, bảo đảm đúng đối tượng, đạt hiệu quả cao.
Thanh Huyền