Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Đức Thụy (Kim Động) nói chuyện về những
kỷ niệm chiến trường
|
Thú thực là, lúc đầu có đôi chút… hụt hẫng, dù cuộc chuyện trò với người anh hùng đầu bạc làm chúng tôi rưng rưng cảm xúc như được xem những thước phim lịch sử quý báu còn vương mùi khói lửa đạn bom về một thời đầy oanh liệt, hào hùng.
Chúng tôi vẫn nhớ là đã háo hức băng băng tới nhà ông, ngồi trò chuyện cùng ông bên bàn trà mộc mạc dưới tán nhãn mùa này đang đơm bông vàng như góp nắng đầu cành, được vui lây với tiếng cười hào sảng của anh hùng Nguyễn Đức Thụy, và hồi hộp chờ nghe ông kể về những trận đánh làm nên tên tuổi của người 2 lần được vinh danh Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Vóc dáng ông vẫn quắc thước, giọng nói vẫn đĩnh đạc, tác phong vẫn nhanh nhẹn và trái tim người lính già ấy vẫn tràn đầy nhiệt huyết khi nhớ lại những kỷ niệm thời trai trẻ hùng tâm, tráng chí “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.
Vậy mà, mặn chuyện là thế nhưng nửa buổi đã trôi qua, ông không nhắc gì tới gian khổ hy sinh, mất mát và cả những chiến công của mình… như chúng tôi ngóng đợi!
Thay vào đó, ông kể về đồng đội, những chiến sỹ đặc công nước ai nấy tóc đỏ quạch như tôm luộc, da đen cháy, khí phách, quả cảm, người chắc nịch như một thỏi sắt đã tôi qua lửa và tài ngụy trang thì “siêu hạng”. Ấy là những người từng cùng ông chung điếu thuốc, phong lương khô, sát cánh cùng ông trên chiến trường, cùng cảm nhận đến tận cùng mọi vui, buồn, hiểm nguy, bệnh tật, chết chóc, hy vọng…!
Với ông, đó là những năm tháng ý nghĩa nhất, tình đồng đội, nghĩa tử sinh vẫn vẹn nguyên dù gần nửa thế kỷ đã qua đi. Ánh mắt ông như có lửa, trán nổi đường gân, còn giọng ông hơi ngắt quãng khi nhắc nhớ về những đồng đội đã mãi mãi nằm lại ở lòng sông, lòng biển quê hương, sau khi đã chiến đấu kiên cường và hy sinh rất anh dũng. Nhiều người mới cùng ông phối hợp tác chiến một trận đã ngã xuống, với lời thề trước giờ ra trận “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Chẳng thế mà, ông luôn tự nhận mình may mắn hơn rất nhiều đồng đội đã hy sinh nơi sự sống và cái chết chỉ cách nhau nháy mắt…
Ông bảo rằng, trong phần đời dữ dội, khốc liệt mà rất đỗi vinh quang ấy, ông cùng đồng đội đã sống trọn vẹn cho lý tưởng tuổi trẻ, vì người khác hơn là vì bản thân mình, cống hiến hết mình cho Tổ quốc.
Chúng tôi bỗng như được khai tâm, mở trí trước tâm tình của người lính già ẩn chứa thông điệp cao thượng mà giản dị, truyền cảm hứng về lý tưởng sống từ những điều bình dị, để rồi lòng càng thêm yêu mến, tự hào và ngưỡng mộ người anh hùng quê Nhãn...
Từ lúc còn là cậu bé chăn trâu cắt cỏ đồng làng, Nguyễn Đức Thụy đã nổi tiếng bởi tài bơi lội và giỏi võ. Sau khi nhập ngũ vào năm 1967, thấy được biệt tài của ông, cấp trên đã tuyển chọn vào đơn vị đặc công, thuộc Bộ Tư lệnh Đặc công. Năm Mậu Thân 1968, do Đoàn tàu không số gặp sự cố, ông cùng đơn vị hành quân bộ từ Hải Phòng vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Nam và được phiên chế vào Trung đoàn 10 đặc công Rừng Sác.
Trở thành đặc công nước, góp mặt trong lực lượng đặc biệt tinh nhuệ của chiến trường, ông được đồng đội mến phục gọi là Thụy “rái cá” với dày đặc chiến công đánh tàu, diệt địch. Sau này, ông được điều chuyển về đơn vị mang bí số Z24, thuộc Bộ tham mưu Miền, tác chiến ở vùng biển Vũng Tàu, nơi vốn được ví như “cuống họng địch” vì đây là cửa ngõ đường biển đi vào Sài Gòn lúc bấy giờ. Với quân giặc, ông là nỗi kinh hoàng đến từ mặt nước.
Nhớ về những trận đánh điển hình của phương thức tác chiến độc đáo, lấy ít đánh nhiều, luồn sâu đánh hiểm, bí mật bất ngờ của đặc công nước, ông tự hào nhắc tới trận đánh diễn ra vào ngày 20.5.1973. Hôm ấy, ông và một đồng đội mang khối thuốc nổ qua eo biển Vũng Tàu vào quân cảng Cát Nở - Rạch Rừa. Suốt nhiều ngày đêm trước đó đã vật lộn với sóng nước, khắc phục được các chướng ngại vật, cạm bẫy. Nhưng quân giặc ở đây vốn rất cảnh giác với đặc công nước, hễ thấy động dòng nước là nã đạn xối xả. Đang tiếp cận tàu địch thì đồng đội bị chuột rút. Tình thế vô cùng gấp gáp, ông một mình tiếp cận mục tiêu sử dụng kỹ thuật đặc công áp chất nổ vào mạn tàu địch rồi bơi ra ngoài. Đêm hôm ấy, khối thuốc nổ gần 100kg đã nhấn chìm xuống biển cụm tàu 4 chiếc cùng khoảng 20 nghìn tấn bom đạn Mỹ...
Ông kể rất ít về bản thân, nhưng cũng đủ để chúng tôi rùng mình về sự khốc liệt nơi trận tiền khiến người lính đặc công ấy từng 3 lần được đơn vị truy điệu sống. Có trận bom nổ đã quăng ông văng xa tới 25m. Có trận đánh ông bị thương phải cắt bỏ 1m ruột... Rồi có lần ông bị trúng đạn, tim ngừng đập, đơn vị chuẩn bị truy điệu nhưng trời mưa to, trong lúc chờ mưa tạnh thì phát hiện tim ông đập trở lại…
Là lính đặc công nước, ông phải luôn cải trang để che mắt địch. Nhưng cũng có hàng chục lần ông thì ngụp lặn dưới nước, trên đầu là máy bay “Cán gáo” hạ thấp độ cao xuống để hòng bắt sống nhưng ông đều thoát vây ngoạn mục. Trải qua vô vàn hiểm nguy rình rập, nhiều lần cận kề cái chết, người đại úy đặc công mưu trí, dũng cảm ấy đã chỉ huy và trực tiếp tham gia nhiều trận đánh vang dội làm cho giặc khiếp sợ.
Ghi nhận những thành tích, công lao của ông, ngày 23.12.1973, ông được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Dù vậy, thời điểm đó chủ nhân của danh hiệu cao quý ấy hoàn toàn không biết vinh dự này vì còn đang hoạt động bí mật…
Gần một năm sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 15.1.1976, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa tặng ông danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vì đã lập được nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu góp phần đưa sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta đến thắng lợi hoàn toàn.
Thoáng chốc mà đã hơn 40 năm trôi qua, người lính đặc công nước ngày nào trải bao mưa bom bão đạn, trở về quê hương cùng ký ức chiến trường và hàng chục mảnh đạn trên người, thêm mùa nhãn này đã qua tuổi thất thập cổ lai hy. Thăm ông đúng vào ngày trái gió trở trời trong đợt rét nàng Bân, các vết thương lại làm ông nhức buốt, dù thế người lính già vẫn mỉm cười hóm hỉnh lạc quan, cứ như thể những đau nhức ấy là “cú huých cùi chỏ” của những đôi tay cứng như thép nguội đón mừng đồng đội nguyên vẹn trở về sau mỗi trận đánh năm xưa…
Tạm biệt ông ra về giữa làn hương cau thoang thoảng, thanh tao, trong lao xao gió đưa vườn cây ăn quả thêm một mùa mới líu ríu trĩu cành nhờ tay ông vun xới, xúc động nắm “đôi tay thép” ngày nào của người anh hùng huyền thoại mà tôi cứ nghe văng vẳng câu thơ:
“Trí dũng song toàn, mình đồng da sắt...
Như Yết Kiêu xưa, dâng khắp sóng Bạch Đằng”.
Minh Huệ