Từ một cây quýt bình thường, nhờ đôi bàn tay khéo léo và óc sáng tạo, ông Nguyễn Trung Thành ở thôn Phi Liệt, xã Liên Nghĩa (Văn Giang) đã uốn thành hình lọ lục bình để bán Tết.
Những cây quýt dáng lọ lục bình của ông Đinh Đức Đại ở xã Liên Nghĩa
(Văn Giang)
|
Chỉ tay vào những cây quýt lục bình có chiều cao trên 3m, ông Thành cho biết: “Cây quýt dùng để tạo hình lọ lục bình phải có thời gian nuôi dưỡng từ 5 - 6 năm. Ngoài ra, cây dùng để uốn phải bắt buộc phải có nhiều cành, tán, sai quả. Công đoạn quan trọng nhất và khó nhất là gò uốn phần cổ lục bình cho cây. Phần việc này đòi hỏi phải có kỹ thuật cao”.
Năm nay gia đình ông Thành uốn được 45 cây quýt lục bình nhưng từ tháng 9 âm lịch các thương lái đã đến đặt mua trước với giá trung bình trên 20 triệu đồng/cặp.
Những ngày này, tại nhà vườn của ông Đinh Đức Đại ở thôn Phi Liệt tấp nập khách hàng đến đặt mua quất lục bình về chơi Tết. Năm nay, nắm bắt nhu cầu khách hàng, ông Đại đã tung ra thị trường 60 cặp quất lục bình với giá bán từ 6 – 10 triệu đồng/cặp. Cùng với ông Đại, trên địa bàn xã Liên Nghĩa hiện có khoảng 10 nhà vườn uốn được cây quất lục bình.
Theo chia sẻ của các nhà vườn: Cây quất đủ điều kiện tạo thế lục bình phải là cây già từ 3 năm trở lên, có tán rộng. Một cặp quất lục bình đẹp không chỉ cân đối về hình dáng mà quả quất phải chín vàng, mọng nước, lá tươi xanh, có cả quả xanh, hoa và lộc non, thể hiện sự sinh sôi, phát triển.
Mít cảnh tiền triệu hút khách
Đến nhà vườn Dũng Xâm ở thôn Đan Kim, xã Liên Nghĩa (Văn Giang), chúng tôi ngỡ ngàng trước hàng trăm chậu mít cảnh đang được thương lái vận chuyển lên xe tải.
Anh Lý Tiến Dũng ở Liên Nghĩa (Văn Giang) đang kiểm tra những chậu mít cảnh |
Để phục vụ người dân chơi cây cảnh Tết, từ năm 2016, anh Lý Tiến Dũng, chủ vườn Dũng Xâm đã trồng thử nghiệm những cây mít Thái lên chum, chậu và uốn thế, tạo dáng thành những chậu mít cảnh độc đáo và lạ mắt. Thời điểm này, toàn bộ 200 chậu mít cảnh phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2019 của nhà vườn đã được thương lái đặt mua với mức giá dao động từ 1,5 – 5 triệu đồng/chậu.
Nhìn những cây mít Thái chỉ cao khoảng 1m nhưng trên thân “đeo” được từ 3 – 5 quả, ít ai biết được người thợ phải kỳ công đến mức nào. Anh Dũng chia sẻ: “Đầu tháng 3 âm lịch, cây mít từ bịch được chuyển trồng lên chậu. Khi cây phát triển ổn định, tôi sẽ uốn thế, tạo dáng luôn vì khi đó thân cây còn dẻo. Sau khi uốn 2 – 3 lần, cây mít vào dáng thì chăm sóc để cây cho quả vào đúng dịp Tết”.
Chanh vàng phú quý đón Tết
Bên cạnh đào, quất truyền thống, những chậu chanh vàng phú quý dáng bonsai của anh Nguyễn Hữu Hà, xóm 15, thôn Bãi Sậy, xã Tân Dân (Khoái Châu) là một trong những loại cây cảnh đang “gây sốt” thị trường Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.
Anh Nguyễn Hữu Hà là người duy nhất ở Hưng Yên làm được cây chanh vàng bonsai |
Đây là chanh vàng giống Úc được anh Hà mang về Việt Nam trồng cách đây nhiều năm. Điểm đặc biệt của giống chanh này là cây ra hoa quanh năm, quả to, căng mọng, khi chín quả vàng ươm, mùi thơm đặc biệt dễ chịu… Nắm bắt điểm đặc biệt đó và hiểu được tâm lý người tiêu dùng luôn thích sự mới lạ nên từ năm 2013, anh Hà đã làm cây chanh cảnh phú quý để bán vào dịp Tết Nguyên đán.
Để có 1 cây chanh vàng phú quý đẹp, anh Hà phải mất 4 – 7 năm từ công đoạn nuôi dưỡng cây nhỏ, tỉa cành đến tạo tán, uốn thế cho cây. Cây chanh phú quý được anh Hà kỳ công uốn thành nhiều dáng khác nhau như thác đổ, dáng trực… với đường nét mềm mại, uyển chuyển. Những cây có tuổi đời lớn thường được anh đưa lên chậu bonsai, cây nhỏ hơn được trồng vào các bình gốm.
Những cây chanh phú quý quả to chín vàng và căng mọng, cây có đủ hoa, lá, lộc, nụ non, quả xanh, quả chín đại diện cho sự đầy đủ, sinh sôi và sức sống căng tràn của cây cỏ mùa xuân. Với ý nghĩa này nên chanh vàng bonsai được rất nhiều người chơi cây chọn mua về trưng dịp Tết.
Năm nay, anh Hà đã “tung” ra 2.500 chậu chanh cảnh phục vụ thị trường Tết Nguyên đán với 2 dòng sản phẩm chính là: chanh cảnh phú quý bonsai và cây chanh thế phú quý với giá bán từ 1,5 – 60 triệu đồng/chậu.
Đu đủ bonsai
Theo quan niệm của người xưa, đu đủ thể hiện một cuộc sống đủ đầy, bền vững. Chính vì vậy, những năm gần đây, tại nhà vườn của anh Hoàng Văn Hoằng ở thôn Quán Trạch, xã Liên Nghĩa (Văn Giang) có thêm một loại bonsai khá độc đáo từ cây đu đủ.
Đu đủ bonsai của anh Hoàng Văn Hoằng ở xã Liên Nghĩa |
Một cây đu đủ từ lúc đưa lên chậu trồng đến khi có giá trị làm cảnh cần khoảng 7 tháng đến trên 1 năm. Vì vậy, thời điểm trồng đu đủ bonsai tốt nhất bắt đầu từ tháng 4 âm lịch để kịp thời thu hoạch vào dịp Tết. Khi cây đu đủ cao khoảng 30cm thì anh Hoằng tiến hành uốn thế cho cây. Mỗi cây uốn từ 3 – 4 lần để có được dáng thế ưng ý.
Năm nay, anh Hoằng trồng 80 chậu đu đủ bonsai. Từ tháng 9 âm lịch đã có khách buôn đến đặt mua toàn bộ với mức giá bình quân trên 1 triệu đồng/chậu.
Lạ lẫm ngưu, tuất, hợi.. “cõng” cây quất cảnh
Những năm gần đây, nhiều nhà vườn ở Văn Giang đã dựa vào con vật của năm để tạo ra sản phẩm quất bon sai trồng trong chậu sành hình con tuất (chó), ngưu (trâu), hợi (lợn), gà… để tạo nên sự độc đáo và ngộ nghĩnh nhằm phục vụ người dân chơi Tết.
Theo ông Đỗ Văn Nam ở thôn Phi Liệt (xã Liên Nghĩa), xuất phát từ ý tưởng mỗi năm tương ứng với một con giáp, khoảng 5 năm trở lại đây, năm nào ông cũng trồng cây vào những chậu cảnh hình con giáp của năm đó.
Năm nay, ngoài 40 con “hợi quất”, ông Nam còn làm thêm 60 con “ngưu quất”... Với ý nghĩa tượng trưng cho sự no ấm, đủ đầy, sức khỏe… nên dù giá bán cao từ 2 – 3 triệu đồng/chậu nhưng sản phẩm ông Nam làm ra đến đâu hết đến đó.
Dương Miền