Trang chủ >> Tin trong nước >> Hưng Yên hướng tới hình thành vùng sản xuất lớn trong nông nghiệp

Hưng Yên hướng tới hình thành vùng sản xuất lớn trong nông nghiệp

03/04/2018 | 1272

Hưng Yên cần xây dựng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nền nông nghiệp du lịch, dịch vụ gắn với công nghiệp sạch để khai thác tiềm năng của vùng trung tâm tam giác kinh tế Đồng bằng Bắc Bộ.

Hưng Yên xây dựng nông nghiệp công nghệ cao.Ảnh minh họa: Xuân Tiến - TTXVN

"Hưng Yên cần xây dựng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nền nông nghiệp du lịch, dịch vụ gắn với công nghiệp sạch để khai thác tiềm năng của vùng trung tâm tam giác kinh tế Đồng bằng Bắc Bộ". Đây là vấn đề được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh trong buổi thăm và làm việc tại tỉnh Hưng Yên ngày 28/3.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, tỉnh Hưng Yên đã chuyển dịch cơ cấu sản xuất đúng hướng, tập trung đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, khai thác tốt thị trường. Hình thành những vùng cây con hàng hóa như: Khoái Châu, Văn Giang, góp phần tăng thu nhập trên một ha canh tác gấp 2 lần so với cả nước.

Bộ trưởng gợi ý, tỉnh cần quy hoạch, hình thành các vùng sản xuất lớn, vùng nông nghiệp hạt nhân. Các mô hình sản xuất hiện nay còn mang tính tự phát, chưa quy mô, cần tổ chức sản xuất theo chuỗi, có sự chỉ đạo mang tính tập trung. Theo đó, phải xây dựng nên nông nghiệp đô thị với các sản phẩm tươi sạch, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu vùng thủ đô. Đó là nền nông nghiệp công nghệ cao, đặc hữu, thông minh nhằm phát huy tối đa hiệu quả kinh tế. 
Trong xây dựng nông thôn mới, Hưng Yên đã có nhiều cách làm sáng tạo, mang tính đặc thù riêng. Tỉnh coi trọng tất cả các vùng miền, có sự phân bố đồng đều. Đáng chú ý, tỉnh đã dồn mục tiêu cho nông nghiệp nông thôn, đặc biệt coi trọng tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp với sự chỉ đạo tập trung, làm cho diện mạo đô thị nông thôn thay đổi, đời sống nhân dân nâng lên, vùng nông nghiệp ven đô có nhiều khởi sắc.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, các thiết chế hạ tầng nông nghiệp nâng cấp chưa phát huy tối đa, các tổ chức sản xuất từ doanh nghiệp, từ hợp tác xã kiểu mới và các mô hình trang trại chưa nhiều. Vì vậy, tỉnh cần chú ý vấn đề môi trường, rác thải, sản xuất và khai thác vật liệu xây dựng ven đê bãi sông Hồng.

"Xây dựng nông thôn mới cần đi theo hướng đô thị xanh, sạch, gắn với nông nghiệp, quy hoạch có tầm nhìn, hạ tầng phải đáp ứng thúc đẩy sản xuất lớn, thúc đẩy đô thị hóa, chuyển đổi dân số lao động theo hướng hiện đại. Tỉnh nên rà soát quy hoạch trong chiến lược phát triển tổng thể, phù hợp với xu hướng phát triển", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đối với tuyến đê sông Hồng qua địa bàn Hưng Yên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị tỉnh Hưng Yên tiếp tục nghiên cứu xây dựng tuyến đê kiểu mẫu vừa là tuyến đê giao thông vừa gắn với du lịch và nền nông nghiệp đô thị. Trong đó, cần rà soát, gia cố cứng hóa, chú ý giải pháp xanh, giải pháp quản lý. Bên cạnh đó, cần khai thác tiềm năng vùng đất bãi sông Hồng để phát triển bền vững.

Ghi nhận những kết quả trong sản xuất nông nghiệp của Hưng Yên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, Hưng Yên có nhiều tiềm năng, lợi thế đắc địa để phát triển nông nghiệp. Là địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng kinh tế Thủ đô, vùng tam giác kinh tế, có hệ thông giao thông đối ngoại là Quốc lộ 5, quốc lộ 38, quốc lộ 39, có đê sông Hồng, sông Luộc. Cùng với đất đai màu mỡ, Hưng Yên còn có nguồn tài nguyên nước ngầm trữ lượng lớn. Đây là những yếu tố để Hưng Yên xây dựng nền kinh tế đa dạng, phong phú, phát triển nhanh và bền vững.

Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Phóng cho biết, những năm gần đây, nền nông nghiệp Hưng Yên đã có nhiều bước đi mang tính đột phá, tạo nhiều chuyển biến mới. Trong đó, tái cơ cấu nông nghiệp được đẩy mạnh, gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, nâng cao năng suất, chất lượng và tốc độ tăng trưởng.

Từ năm 2011 đến nay, tỉnh đã chuyển đổi gần 900 ha đất trồng lúa hiệu quả thấp sang trồng cây hàng hóa kết hợp chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; có nhiều mô hình đạt mức thu từ 600 triệu đến 1 tỷ đồng/năm, góp phần nâng giá trị trên mỗi ha canh tác đạt trên 162 triệu đồng/năm. Tỉnh hiện có hơn 170 hợp tác xã nông nghiệp, gần 900 trang trại, 49 làng nghề, tạo việc làm ổn định cho gần 35.000 lao động, doanh thu đạt trên 9.000 tỷ đồng/năm.

Trên địa bàn tỉnh hiện đã có nhiều mô hình chăn nuôi an toàn sinh học theo hướng VietGap, triển khai hiệu quả các đề án giống vật nuôi như gà Đông Tảo, bò Batman đỏ; phát triển nhiều giống cây trồng mới như lúa lai, nhãn đầu dòng, bưởi Hoàng Trạch... Đáng chú ý, địa phương xây dựng được nhãn hiệu cho các sản phẩm gồm nhãn lồng Hưng Yên, quất cảnh Văn Giang, vải lai chín sớm Phù Cừ, chuối tiêu hồng, gà Đông Tảo, tương Bần, mật ong hoa nhãn.

Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai tích cực. Với tổng nguồn vốn đầu tư đạt trên 4.700 tỷ đồng đến nay toàn tỉnh có 60 xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới được công nhận; các xã còn lại đạt từ 11 đến 18 tiêu chí. Tỉnh đang triển khai Đề án xây dựng thiết chế văn hóa giai đoạn 2016 -2020 nhằm thay đổi diện mạo nông thôn, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống vật chất tinh thần cho cư dân nông thôn.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã đi kiểm tra sự cố nứt đê sông Hồng tại Văn Giang, thăm trạm bơm Nghi Xuyên và khảo sát một số mô hình sản xuất trên địa bàn tỉnh như: trang trại gà Đông Tảo, trang trại chuối xuất khẩu xã Đại Tập ở huyện Khoái Châu; vùng trồng nhãn lồng xã Hồng Nam, thành phố Hưng Yên. /. 

Mai Ngoan/TTXVN


Các bài viết khác