Trang chủ >> Tin trong nước >> Hội thảo khoa học "Trung tướng Nguyễn Bình với cách mạng Việt Nam và quê hương Hưng Yên"

Hội thảo khoa học "Trung tướng Nguyễn Bình với cách mạng Việt Nam và quê hương Hưng Yên"

06/08/2018 | 1112

Ngày 18.7, Tỉnh ủy Hưng Yên phối hợp với Bộ Tư lệnh Quân khu 7, Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), Báo Quân đội nhân dân tổ chức Hội thảo khoa học “Trung tướng Nguyễn Bình với cách mạng Việt Nam và quê hương Hưng Yên”. 
 
Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gửi lẵng hoa chúc mừng hội thảo. 
 
Dự hội thảo có các ông: Thượng tướng Phạm Thanh Ngân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Đỗ Tiến Sỹ, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Hà Đăng, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương; Đỗ Xuân Tuyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban Tổ chức Hội thảo; Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Chính ủy Quân khu 3; Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Hà, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Cùng dự có các vị trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo Bộ Tư lệnh Quân khu 7, Báo Quân đội nhân dân...
Toàn cảnh hội thảo
Phát biểu chào mừng tại hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Tiến Sỹ nhấn mạnh: Cả cuộc đời hoạt động cách mạng, Trung tướng Nguyễn Bình luôn là niềm tự hào của quân và dân cả nước nói chung, của quê hương Hưng Yên nói riêng. Đồng chí đã hiến dâng cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Cuộc đời đồng chí là tấm gương sáng ngời của một người cộng sản đã phấn đấu kiên cường và hoàn thành nhiều trọng trách được Đảng, Bác Hồ và nhân dân giao phó ở những thời điểm khó khăn, ác liệt nhất của cách mạng. 
 
Việc nghiên cứu một cách toàn diện thân thế, cuộc đời, sự nghiệp của Trung tướng Nguyễn Bình là việc làm rất cần thiết, đặc biệt là về các lĩnh vực như: Nhân tố quê hương, gia đình, dòng họ, dân tộc, thời đại tác động sâu sắc đến sự hình thành nhân cách, chí khí cách mạng của đồng chí; khẳng định rõ Trung tướng Nguyễn Bình là một nhà quân sự tài năng, một vị tướng xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam; khẳng định Trung tướng Nguyễn Bình là người cộng sản kiên trung, mẫu mực, luôn đặt lợi ích của Tổ quốc, của Đảng lên trên lợi ích cá nhân; suốt đời phấn đấu cho độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân…

Các đại biểu dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm
Trung tướng Nguyễn Bình sinh năm 1908, tên khai sinh là Nguyễn Phương Thảo, quê ở thôn Yên Phú, xã Tinh Tiến (nay là xã Giai Phạm) huyện Yên Mỹ. Đồng chí sinh ra trong một gia đình yêu nước, ở một vùng quê giàu truyền thống văn hiến và cách mạng. 
 
Từ nhỏ, Nguyễn Phương Thảo đã sớm bộc lộ là người thông minh, ham học, ham đọc sách, báo và tập luyện võ nghệ, sớm hình thành tư tưởng yêu nước và tinh thần cách mạng. Năm 1946, đồng chí được kết nạp vào Đảng cộng sản. Năm 1947, đồng chí giữ chức Ủy viên Quân khu ủy Quân khu 7. Năm 1948, đồng chí được Trung ương bổ nhiệm làm Tư lệnh Nam Bộ. Tháng 1.1948, đồng chí được Chủ tịch Hồ Chí Minh phong quân hàm Trung tướng và là Trung tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Năm 1951, trên đường ra Bắc báo cáo Trung ương, đồng chí đã bị địch phục kích và hy sinh ngày 29.9.1951 tại Campuchia. 
 
Với những cống hiến to lớn cho Tổ quốc, Trung tướng Nguyễn Bình được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Hồ Chí Minh và Huân chương Quân công hạng Nhất. 
 
Hội thảo lần này, Ban tổ chức đã nhận được gần 40 báo cáo tham luận, trong đó có 8 ý kiến tham luận của các đồng chí lãnh đạo Đảng, quân đội, nhân chứng lịch sử, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu được trình bày tại hội thảo. 
 
Các ý kiến tham luận tại hội thảo đều đánh giá cao phẩm chất của Trung tướng Nguyễn Bình. Đó là một nhà yêu nước chân chính, một chiến sỹ cộng sản kiên trung, một nhà quân sự tài năng, và là người quý trọng nhân tài, có cách thức vận động và tập hợp quần chúng. 
 
Cuộc đời binh nghiệp của Trung tướng Nguyễn Bình tuy chỉ có mười tháng ở miền Bắc và gần sáu năm ở miền Nam, nhưng đồng chí đã chứng tỏ là một tài năng quân sự, một vị chỉ huy với nhiều tố chất đặc biệt và lập nên nhiều chiến công hiển hách. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, Trung tướng Nguyễn Bình luôn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao phó.
 
Tình cảm của đồng chí với quê hương Hưng Yên và tình cảm của quê hương Hưng Yên với đồng chí Trung tướng Nguyễn Bình thật ấm áp và sâu đậm. Trong những năm tháng kháng chiến, đồng chí đã để lại trong lòng Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên những cống hiến to lớn, tình cảm sâu sắc. Trận đánh đầu tiên của đồng chí Nguyễn Bình đã diễn ra ở thị trấn Bần Yên Nhân (Mỹ Hào). Đêm ngày 12.3.1945, đồng chí trực tiếp chỉ huy và tham gia đánh trận đồn Bần Yên Nhân, thu được nhiều thắng lợi. Trận đánh đồn Bần Yên Nhân được coi là trận đánh du kích kiểu mẫu ở đồng bằng Bắc bộ. 
 
Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đỗ Xuân Tuyên khẳng định: Mỗi công trình, tham luận, ý kiến gửi đến hoặc trình bày trực tiếp tại hội thảo là một công trình nghiên cứu độc lập, theo từng vấn đề cụ thể, trong hệ đề tài được xác định, đã phản ánh toàn diện, đầy đủ và sâu sắc hơn công lao, đóng góp to lớn của Trung tướng Nguyễn Bình với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, quân đội và quê hương Hưng Yên. 
 
Ban Tổ chức Hội thảo trân trọng tiếp thu tất cả các ý kiến, tham luận và tổng hợp, biên tập làm tài liệu phục vụ công tác nghiên cứu, học tập tấm gương đạo đức cách mạng  kiên trung, bất khuất, suốt đời phấn đấu vì đất nước, vì nhân dân của Trung tướng Nguyễn Bình, cũng như các nhà lãnh đạo tiền bối của Đảng, Nhà nước và Quân đội. Những giá trị tinh thần và bài học kinh nghiệm rút ra từ cuộc đời hoạt động cách mạng của Trung tướng Nguyễn Bình góp phần bồi dưỡng tinh thần yêu nước, hun đúc niềm tự hào dân tộc và truyền thống cách mạng của quê hương Hưng Yên, vận dụng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
 
Lê Hiếu
 
 

Các bài viết khác