Trang chủ >> Tin trong nước >> Người con gái Hưng Yên kéo cờ Tổ quốc tại Lễ Tuyên ngôn độc lập

Người con gái Hưng Yên kéo cờ Tổ quốc tại Lễ Tuyên ngôn độc lập

04/09/2019 | 903

Cách đây đúng 74 năm, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, khi Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khi tiếng nhạc hào hùng của bài hát “Tiến quân ca” vang lên, lá quốc kỳ đỏ thắm với ngôi sao vàng rực rỡ từ từ được kéo lên bởi đôi bàn tay cụ Lê Thi (sinh năm 1926), người con gái xứ Nhãn. 

Cụ Lê Thi - người con gái quê xứ Nhãn kéo cờ trong ngày Tết Độc lập đầu tiên


Một ngày cuối Tháng Tám, sau cuộc điện thoại, tôi vui mừng khi biết cụ Lê Thi vẫn còn khỏe mạnh. Qua trao đổi, khi biết tôi đến từ quê hương Hưng Yên của cụ và ngỏ ý được đến thăm thì cụ đồng ý ngay. 


Nằm nép trên con phố Ngô Quyền (thành phố Hà Nội), qua chiếc cầu thang gỗ, gác hai của căn nhà cổ là thế giới nhỏ của cụ Lê Thi. Trái ngược với sự sầm uất, hiện đại của nhịp sống ngoài kia, căn phòng nhỏ dường như hiện diện rất ít đồ dùng hiện đại, vẫn là bộ bàn ghế gỗ, chiếc tủ sách bằng gỗ lưu giữ những cuốn sách và những kỷ vật in dấu thời gian...


Ngày đầu tham gia Mặt trận Việt Minh


Cụ Lê Thi tên thật là Dương Thị Thoa, sinh năm 1926, quê ở xã Mễ Sở (Văn Giang) nhưng cuộc đời cụ chủ yếu sống và làm việc ở Hà Nội. Cụ là người con thứ 4 trong gia đình có 8 anh, chị em và là con của Giáo sư, liệt sỹ Dương Quảng Hàm.


Năm 1944, học xong bằng diploma của trường nữ sinh Đồng Khánh và đang chờ đi học cao đẳng sư phạm thì đầu năm 1945, cụ Lê Thi tham gia mạng lưới hoạt động Việt Minh bí mật với nhiệm vụ là phổ biến báo chí yêu nước để nhiều người đọc, tuyên truyền cho Mặt trận Việt Minh. Sau đó, cụ được kết nạp vào Đoàn phụ nữ cứu quốc quận Hoàn Kiếm rồi tham gia các hoạt động mít tinh, biểu tình, tập quân sự...


Ngày 19.8.1945, nhân dân thủ đô sục sôi khí thế chiến đấu đánh đuổi quân giặc, cụ Thi hòa cùng dòng người kéo tới trại Bảo an binh kêu gọi quân địch hạ vũ khí đầu hàng, cả đoàn hô vang: “Ủng hộ Việt Minh, Mặt trận Việt Minh muôn năm!”.


Khoảnh khắc bất ngờ


Ngày 2.9.1945 là một sự kiện trọng đại của dân tộc. Đoàn người từ khắp nơi rầm rập kéo về Quảng trường Ba Đình, tay cầm cờ đỏ sao vàng, hô to khẩu hiệu: Mặt trận Việt Minh muôn năm! Ủng hộ Việt Minh!... Lê Thi dẫn đầu đoàn phụ nữ Hoàn Kiếm. Đến Quảng trường Ba Đình, đoàn được xếp hàng đầu, đứng gần lễ đài nhất. Đang hồi hộp chờ đợi giờ khai mạc mít tinh thì đại diện của Ban tổ chức đến chỗ đoàn yêu cầu cử một người lên kéo cờ. Mọi người lúng túng vì chưa được chuẩn bị. Sau đó Lê Thi được chị em tin tưởng đề cử vì dẫn đầu đoàn phụ nữ Hoàn Kiếm và lại đứng hàng đầu tiên. 


Lê Thi ngập ngừng vì sự việc quá bất ngờ. Bước lên gần lễ đài thì Lê Thi gặp một nữ du kích người dân tộc Tày cũng được phân công lên kéo cờ. Không kịp hỏi tên nhau, Lê Thi liền trao đổi với chị du kích: “Chị thấp chị nâng cờ, em cao em kéo cờ làm sao cho nhịp nhàng với bài Tiến quân ca”. Khi Hồ Chủ tịch và các vị trong Chính phủ lâm thời ra lễ đài, bản nhạc Tiến quân ca hùng tráng vang lên, mọi ánh mắt đều hướng về lá cờ đỏ sao vàng đang từ từ kéo lên. Đôi tay của cô gái trẻ và nữ du kích hôm đó phối hợp ăn ý, linh hoạt, nhịp nhàng. Thời khắc kéo cờ lịch sử diễn ra trong ít phút và kết thúc hoàn hảo. Nốt nhạc cuối cùng của bài hát Tiến quân ca cất lên cũng là lúc lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên đến đỉnh cột cờ, tung bay trong gió.


Thay mặt Chính phủ lâm thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập. Lần đầu tiên Lê Thi được thấy Bác trong bộ trang phục giản dị, giọng nói của Người trang trọng đầm ấm vang trên Quảng trường Ba Đình lịch sử. Đang đọc, bỗng Bác dừng lại nói: “Tôi nói, đồng bào có nghe rõ không?”. “Có! Có…!”, cả quảng trường tiếng hô vang dậy như sấm. Nhiều người vừa hô vừa khóc bởi không ngờ Bác lại giản dị và gần gũi đến thế...


Một lòng theo cách mạng


Sau ngày vinh dự ấy, Lê Thi hăng hái tham gia các phong trào cách mạng, là Chủ tịch Hội Phụ nữ cứu quốc quận Hoàn Kiếm, rồi làm Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Tuyên Quang... Năm 1957 được cử đi học lớp cao cấp lý luận chính trị đầu tiên của trường Đảng Trung ương Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) rồi tiếp nhận nhiều công tác quan trọng khác. 


Cụ Lê Thi nghỉ hưu năm 2000, khi đã 74 tuổi. Sau khi về hưu cụ vẫn dành thời gian rảnh rỗi để viết sách, viết báo, nghiên cứu khoa học… góp phần sức lực và trí tuệ cho sự phát triển của nước nhà. 


Với những cống hiến to lớn trong suốt cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng và sự nghiệp nghiên cứu khoa học, cụ Lê Thi vinh dự được nhận Huân chương Lao động Hạng Nhất, Huân chương Độc lập Hạng Ba, huy hiệu 70 năm tuổi Đảng...


Mặc dù sinh sống và làm việc ở Hà Nội nhưng với cụ Lê Thi, quê hương Hưng Yên luôn gần gũi và nhớ thương da diết. Dù tuổi đã cao nhưng mỗi dịp Tết đến cụ đều cùng con cháu tìm về gốc tích nơi “chôn rau cắt rốn” của song thân. Men theo triền đê sông Hồng, trước mắt cụ, cảnh vật quê hương đã thay đổi, bãi ngô, bãi lúa ngày xưa nay đã là vùng trồng hoa, cây cảnh nổi tiếng mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân. Miền quê nghèo khó năm xưa nay không còn nữa, thay vào đó nông thôn ngày càng hiện đại, khang trang...


Hương Giang


Các bài viết khác